Dự án nghiên cứu sơn bức xạ làm mát bề mặt ngoài trời của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng (Đại học Quốc gia Hà Nội) và cộng sự vừa vinh dự nhận giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng xung quanh sáng chế hữu ích cho cuộc sống này.
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về Dự án sơn làm mát bức xạ RARE đã đoạt giải Nhất của cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023?
- Năng lượng dành cho làm mát chiếm đến 30% tổng năng lượng hằng năm, gây tốn kém không nhỏ cho các gia đình, đặc biệt vào mùa hè. Các giải pháp chống nóng hiện nay như dùng chất cách nhiệt tôn, xốp... cho hiệu quả thấp. Sơn chống nóng đã có trên thị trường nhưng chưa phổ biến.
Sau 5 năm nghiên cứu, năm 2019, nhóm chúng tôi đã thành công trong việc chế tạo ra một loại sơn làm mát có khả năng giảm nhiệt độ rất mạnh, tới gần nhiệt độ không khí trong bóng râm. Trong các năm 2021-2022, chúng tôi đã tham gia các chương trình ươm tạo khởi nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và sẵn sàng gia nhập thị trường. Hiện chúng tôi đã hoàn thiện quy trình chế tạo sơn làm mát đạt 1 tấn/mẻ.
Chúng tôi không thực hiện dự án này để đi thi mà xem nó như một sản phẩm tiềm năng có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Sơn RARE có 2 ưu điểm rõ rệt so với các loại sơn chống nóng khác: Độ giảm nhiệt tuyệt đối và khả năng chống bám bụi. Với 2 tính năng này, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên thương hiệu sơn làm mát dẫn đầu thị trường.
- Những thành quả nghiên cứu của dự án có tác động tích cực gì đối với môi trường và xã hội?
- Chống nóng là một nhu cầu thực sự trong xã hội và không có giải pháp hoàn hảo. Để chống nóng cho một công trình cần nhiều yếu tố: Vật liệu, thiết kế, vị trí. Có lẽ chúng tôi được lựa chọn là do tinh thần mạo hiểm giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội.
Sơn làm mát bức xạ khiến cho bề mặt công trình mát hơn so với môi trường xung quanh. Với một thiết kế hợp lý, bề mặt đó có nhiệt độ thấp hơn hẳn và có thể thu được nước trực tiếp từ môi trường. Chúng tôi nghiên cứu chế tạo một hệ thu nước thụ động từ môi trường và đạt được kết quả ban đầu rất khả quan. Nước thu từ không khí rất sạch và có thể sử dụng trực tiếp trong sinh hoạt. Ước tính 1 mét vuông có thể thu được 2 lít nước. Hệ thu nước này có tiềm năng ứng dụng cho các khu vực thiếu nước như miền núi và hải đảo.
Một hướng nghiên cứu khác là tiếp tục mở rộng dải sản phẩm của sơn làm mát bức xạ. Chúng tôi đang nghiên cứu chế tạo sơn trong suốt có thể phủ lên kính. Hiện nghiên cứu này đã đạt những kết quả ban đầu ở quy mô phòng thí nghiệm và có tiềm năng nhân rộng lên quy mô công nghiệp. Nếu được triển khai thành công sẽ có khả năng ứng dụng rất lớn.
- Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023 đã giúp ông phát triển dự án khởi nghiệp của mình như thế nào?
- Cuộc thi đã giúp chúng tôi có dịp gặp gỡ, giao lưu với đại diện của nhiều dự án khác. Chúng tôi đều giống nhau ở việc có sản phẩm lõi và đều loay hoay tìm đường ra thị trường. Việc những người làm công nghệ giờ phải học tư duy kinh doanh là một rào cản với bất cứ ai. Sau cuộc thi, tôi tiếp tục tham gia Techfest quốc gia, được gặp nhiều nhóm từ khắp nơi trong cả nước và học hỏi được nhiều điều, giúp sản phẩm lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng.
Tôi cho rằng, các cuộc thi như thế này đã góp phần thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, mang lại nhiều giá trị cho xã hội và đưa ra được giải pháp cho những vấn đề chưa có lời giải trong đời sống.
- Như vậy, dự án của ông và cộng sự sẽ góp phần giải quyết những thách thức nào liên quan đến biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng tại Hà Nội?
- Chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết trực tiếp vấn đề rất thời sự tại Hà Nội là chống nóng. Chỉ với lớp phủ 0,1mm và bám dính trên nhiều bề mặt, sơn RARE giảm nhiệt độ tuyệt đối giống như dưới bóng râm của cây. Để giảm nhiệt độ trong phòng, cần có một giải pháp tổng thể liên quan tới thói quen sinh hoạt, vật liệu thiết kế của nhà và nhiều yếu tố phức tạp. Tuy nhiên, với các căn nhà đơn sơ chỉ có một lớp thép/nhựa mỏng, hiệu quả của sơn RARE là rất rõ ràng.
Ngoài ra, tôi nghĩ Hà Nội cần đi đầu trong các giải pháp xanh, hướng tới giảm phát thải các bon và net zero. Sơn làm mát giảm phát thải các bon thông qua việc tiết kiệm điện cho các công trình. Chúng tôi đang kiểm định để quy khả năng làm mát này về tín chỉ các bon. Về mặt tổng thể, sơn RARE góp phần giúp chúng ta nhanh chóng đạt net zero hơn. Chúng tôi đang trong quá trình đo đạc để kiểm chuẩn năng lực này, thông qua đó có thể ứng dụng vào diện rộng tại thành phố Hà Nội. Chúng tôi tự tin cho rằng, chống nóng thụ động không tiêu hao năng lượng là một giải pháp tốt cho sự phát triển bền vững, xanh, sạch của Hà Nội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Vật lý chất rắn tại Đại học Brown (Mỹ), Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng hiện làm việc tại Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, tập trung vào lĩnh vực công nghệ nano và vật liệu mới trong chuyển đổi năng lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.