(HNM) - Những ngôi nhà khang trang, những mái chùa cong vút, những con đường láng xi măng và hàng cây rợp bóng mát cùng các em học sinh tung tăng đi học…
Trong cái nắng mùa khô gay gắt, giữa một vùng trời nước mênh mông, xã đảo Song Tử Tây hiện ra xanh tươi, mát rượi. Khi đặt chân lên đảo mới thật sự bất ngờ bởi những con đường rộng, rất đẹp được lát bê tông với hàng cây xanh bên đường, khung cảnh thân thương, gần gũi như ở đất liền. Nắng trưa đan qua kẽ lá tạo ra cảm giác thơ mộng, yên bình.
Trẻ em ở đảo Trường Sa. Ảnh: Đặng Loan |
Song Tử Tây là một trong những xã đảo có các hộ dân cư trú làm ăn, sinh sống. Thế nên, đón chúng tôi ngoài những cán bộ, chiến sĩ bám trụ trên đảo còn có những em nhỏ đang vui đùa dưới tán cây phong ba, cây bàng vuông dõi mắt nhìn khách. Nhiều người dân tíu tít mời chúng tôi về thăm nhà - những ngôi nhà khang trang rộng rãi nằm dọc theo bờ biển, phía trước là khoảnh sân nhỏ xinh xinh. Tôi đến thăm nhà anh chị Huỳnh Viên - Nguyễn Thị Thúy Vân. Quê ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), cũng như nhiều hộ gia đình khác đang sinh sống tại Trường Sa, vợ chồng anh Viên quyết tâm ra đây lập nghiệp với mong muốn góp phần bảo vệ và xây dựng quần đảo ngày càng vững mạnh. Anh chị hiện có hai con, con trai đầu 5 tuổi và bé thứ hai mới sinh năm 2012, chưa đầy 2 tuổi.
Như nhiều gia đình khác ở đây, nhà chị Nguyễn Thị Chí - anh Ngô Cần cũng có bàn thờ Bác Hồ đặt ở nơi trang trọng, cạnh đó là những vật dụng thiết yếu như bàn ghế, đầu kỹ thuật số bắt được nhiều kênh truyền hình, quạt máy… Mặc dù tết đã qua lâu nhưng trong nhà vẫn còn cây hoa mai "gợi nhớ xuân đất liền" như giải thích của chị Chí. Anh chị có 3 con, chỉ có cháu Ngô Thị Trường Giang lên 10 tuổi, học lớp 4 là ở cùng bố mẹ…
Nhớ lại ngày đầu ra đảo Song Tử Tây cách đây 5 năm, chị Nguyễn Thị Thúy Vân cho biết ngày ấy còn rất nhiều khó khăn: Cây xanh ít, nước sạch thiếu, còn điện chỉ cung cấp mỗi ngày được 6 tiếng đồng hồ. Nay thì đã có điện năng lượng đầy đủ và xã đảo cũng tươi đẹp hơn nhiều. Nhà nào cũng có ti vi, quạt máy, máy bơm nước... Đặc biệt là tình trạng thiếu rau, hoa quả tươi trước đây nay đã được cải thiện, ngoài nhờ đất liền tăng cường gửi tàu mang ra còn do quân dân trên đảo đã ra sức cải tạo, tăng gia trồng trọt. Nhà nào cũng trồng rau muống, cải xanh, bầu, bí… để cải thiện bữa ăn. Không ít gia đình còn nuôi lợn, gà, có nhà nuôi mấy chục con vịt đẻ... Dù rằng cuộc sống vẫn còn thiếu thốn nhưng không khí trong lành, đời sống vật chất tinh thần từng bước được cải thiện khiến người dân ngày càng yên tâm, cảm thấy thoải mái hơn ở nơi quê hương mới. "Khí hậu tốt nên sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật, đó là "vàng" rồi"- Chị Vân cười rồi "khoe": "Ở đây rất vui vì các chú bộ đội luôn chăm lo lúc các cháu ốm đau, hỏi thăm động viên lo lắng như người nhà nên "tụi trẻ con đứa nào cũng mê và quấn quít các chú".
Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, thời gian gần đây đảo có nhiều đổi thay cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. "Đảo của ta không kém gì khu phố, góc phố trung tâm đô thị. Cũng có công viên, tượng đài, chùa, đường, điện. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và thấy giữa đảo và đất liền không xa cách".
Nói về đời sống người dân ở huyện đảo Trường Sa, Trung tá Phạm Văn Hiến, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết, đời sống người dân khá ổn định. Với ngôi nhà khang trang, vườn tược nhiều cây trái, họ vui vẻ, yên tâm với mô hình gia đình chồng làm nghề chài lưới, vợ phục vụ hậu cần cho bộ đội, hoặc vợ chăn nuôi trồng trọt còn chồng phục vụ hậu cần. Các hộ dân cũng trồng rau và chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống. Huyện cũng có phương án giúp người dân phát triển kinh tế như đầu tư ngư cụ cho ngư dân để tham gia đánh bắt hải sản.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 146, 100% đảo và điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đều đã được trang bị hệ thống năng lượng gió và năng lượng mặt trời đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, làm việc của quân và dân. Đời sống y tế cũng được chăm sóc khá đầy đủ. Đặc biệt, việc dạy học cho con em nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa dù điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên còn nhiều khó khăn nhưng vẫn đáp ứng được chương trình dạy và học. Do số lượng học sinh ít và cũng rất ít thầy cô giáo được đào tạo bài bản (chủ yếu do cán bộ xã kiêm nhiệm) nên các em còn phải học ghép (một phòng có nhiều lớp, từ lớp 1 đến lớp 5). Theo Thiếu tá Thịnh, một trong những khó khăn lớn là cơ sở hạ tầng. Đến nay mới chỉ có trường tiểu học trên đảo Trường Sa lớn được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Vừ A Dính và Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, còn lại các xã đảo khác vẫn phải tận dụng trụ sở Ủy ban xã để làm lớp học. Một khó khăn nữa là sau khi kết thúc bậc tiểu học thì các em phải vào đất liền để học tiếp. Tuy nhiên qua thống kê 100% học sinh ở đảo vẫn đạt loại khá và giỏi, vẫn theo kịp chương trình học tập với các bạn cùng trang lứa trong đất liền. Hiện ngành giáo dục tỉnh Khánh Hòa vẫn đang tiếp tục tuyển chọn giáo viên ra dạy học ở đảo để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên.
Bằng ý chí, nghị lực và tình yêu biển đảo, những người dân ở các xã đảo đã và đang sát cánh với cán bộ, chiến sĩ các quân, binh chủng đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, cùng nhau quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và xây dựng vùng quê mới thêm trù phú, tươi đẹp. Hình ảnh thanh bình, quen thuộc của các làng quê Việt luôn thấp thoáng, hiện hữu trên khắp các đảo chìm, đảo nổi, với những đàn bò, đàn lợn, gà, những vườn rau xanh mướt đã khiến Trường Sa càng gần hơn với đất liền. Gắn bó và thân thương, như vợ chồng anh Phạm Vũ và chị Trần Thị Ngọc Quý đã chia sẻ với các nhà báo lúc chia tay ở xã đảo Sinh Tồn, rằng mỗi lần có việc phải về đất liền là lại muốn ra ngay với Trường Sa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.