(HNM) - Với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, thực tế bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của DS tại Việt Nam chưa bao giờ hết
- Thưa ông, thông tin về dự án xây dựng cáp treo lên hang Sơn Đoòng trong vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất khiến dư luận lo ngại DS sẽ bị khai thác quá đà. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi có quan điểm rất rõ ràng: Bảo tồn và phát triển phải có tác động qua lại. Nếu DS không phục vụ sự phát triển thì DS đó "chết", vì nó không cần thiết cho cộng đồng nữa. Công cuộc bảo tồn DS phải gắn với sự phát triển thì DS mới xác định được chỗ đứng trong xã hội, mới có thể giúp con người sáng tạo ra những giá trị mới để bổ sung vào. Ở góc độ này, DS không là cái cũ bất biến, mà là một bộ phận cấu thành cái hiện tại, thêm sự sáng tạo vào nữa là cộng đồng có thể chuyển lại giá trị của DS cho thế hệ sau. Khi có bất kỳ sự tác động nào tới DS, phía khai thác DS cũng phải nghĩ đến việc làm thế nào để nâng cao dân trí, mang lại lợi ích cho cộng đồng ở khu vực có DS. Người thực hiện bảo tồn, khai thác DS bằng trí tuệ, bằng cái tâm và vì lợi ích cộng đồng thì hiệu quả sẽ cao, hạn chế được sự xâm hại DS.
Cổng Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Linh Ngọc |
- Như ông đã biết, trong thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan DS đều xuất phát từ mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Theo ông, làm thế nào để có thể khai thác tốt hơn nguồn lực văn hóa mà cha ông để lại mà vẫn đạt được mục tiêu bảo tồn?
- Có thể nói, hiếm có địa phương nào quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH như Hà Nội. Tôi chắc chắn rằng, rất nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và sau này sẽ tồn tại mãi với thời gian, được đời sau đón nhận. Tuy nhiên, điểm hạn chế hiện nay là người làm di tích, du lịch và cộng đồng vẫn chưa có sự kết hợp chặt chẽ, chưa tìm được tiếng nói chung. Ví dụ điển hình là chuyện xảy ra ở Làng cổ Đường Lâm. Sau sự việc ồn ào năm 2013, các ngành chức năng của TP Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho di tích này. Quy hoạch tổng thể làng cổ và một số dự án thành phần đã được phê duyệt. Chỉ tiếc rằng, người làm công tác bảo tồn, người làm du lịch và cộng đồng người dân ở Đường Lâm vẫn chưa thực sự liên kết thành một khối. Du lịch phải giúp những người dân không có nhà cổ cũng được hưởng lợi từ DS, bằng cách biến sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch đặc thù. Không nói đâu xa, các bước phát triển của Hội An (Quảng Nam) là bài học điển hình, có thể học tập, "ứng dụng" vào thực tế ở Đường Lâm hiện nay.
Cần thay đổi tư duy về vấn đề phát huy giá trị của DS. Và như trên đã nói, để khai thác giá trị của DS, chúng ta luôn phải đề cao vai trò của người dân, phải hướng đến lợi ích của cộng đồng.
- Hội DSVH Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì để góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị DS?
- Thời gian tới, thông qua "Quỹ hỗ trợ bảo tồn DSVH Việt Nam", chúng tôi sẽ thực hiện dự án truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội trong hoạt động bảo tồn DSVH; triển khai dự án bảo tồn diều sáo Việt Nam; bảo tồn Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh)… Những phần việc này sẽ được thực hiện tỉ mỉ, khoa học, mang tính chất định hướng để có thể làm "giáo án" cho các dự án tương tự…
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.