(HNM) - Hôm nay, ngày 14-11, những nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô lại có dịp gặp gỡ trong buổi lễ tuyên dương, khen thưởng của ngành nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
Hoàn thiện cả về lượng và chất
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, ngành Giáo dục Hà Nội xác định kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo ra những thế hệ học sinh có đầy đủ đức, trí, thể, mỹ, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước. Để đạt mục tiêu đó, dù trong giai đoạn khó khăn nào, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo luôn được ngành Giáo dục Thủ đô xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Anh Tuấn |
Chính vì vậy, việc bảo đảm các điều kiện để đội ngũ nhà giáo phát triển luôn được quan tâm. Công tác quy hoạch mạng lưới, xây dựng mới và cải tạo trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy học, xóa phòng học cấp 4 tiếp tục được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu học tập. Đặc biệt, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trở thành nhiệm vụ chung, mục tiêu không phải để đạt danh hiệu thi đua mà là tạo điều kiện tốt về mọi mặt cho các thầy, cô giáo phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong việc dạy học. Những hạng mục tưởng chừng là nhỏ trong nhà trường như nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, nước sạch, cây xanh, tường rào… cũng được quan tâm cải tạo đồng bộ. Mức kinh phí đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của Thủ đô ngày càng tăng, riêng trong năm 2017 là 56 tỷ đồng.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, với sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực của toàn ngành, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đang ngày càng hoàn thiện cả về quy mô và chất lượng. Toàn ngành hiện có gần 140 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ tại các nhà trường. Đáng chú ý, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn của Hà Nội cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước, trong đó, cấp tiểu học có tới 95% giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn; tỷ lệ này ở cấp THCS là 76% và ở cấp mầm non là 55%...
Hà Nội cũng là nơi khơi nguồn nhiều phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa tạo động lực, thôi thúc đội ngũ nhà giáo hoàn thiện mình về mọi mặt. Cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn” trở thành điểm tựa cho nhiều học sinh trong thời gian qua, giúp các em yên tâm tới trường. Thông qua các cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Cô giáo - người mẹ hiền”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”…, mỗi nhà giáo có thêm cơ hội hoàn thiện về chuyên môn, về phẩm chất đạo đức, phong cách, làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân.
Khẳng định vị thế “đầu tàu”
Sự nỗ lực của mỗi nhà giáo đã tạo nên sức mạnh của toàn đội ngũ trong việc thực hiện nhiệm vụ, tác động tích cực đến chất lượng dạy và học ở mỗi nhà trường, tạo nên sự chuyển biến mang tính toàn diện của ngành Giáo dục Thủ đô, xứng đáng với vị thế “đầu tàu” về giáo dục trong nhiều năm qua.
Trong đó, hoạt động của hệ thống giáo dục mầm non có nhiều tiến bộ, duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ về mọi mặt, xứng đáng với vai trò bậc học nền tảng. Đồng thời, giáo dục tiểu học tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; ưu tiên các điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 1. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2017 đạt 99,36%; Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp tiếp tục thể hiện sự bền bỉ trong việc khắc phục khó khăn, đa dạng hóa nội dung và hình thức học tập, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia học tập thường xuyên, góp phần tích cực trong việc xây dựng xã hội học tập.
Sự lan tỏa của các cuộc vận động trong đội ngũ nhà giáo đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong các nhà trường, làm nên những điểm sáng của ngành. Trong đó phải kể đến Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân ba năm liền dẫn đầu phong trào thi đua của các quận, huyện, thị xã. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông tạo đột phá trong việc thành lập nhiều trường học mới. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm tạo điểm nhấn trong việc hoàn thiện đội ngũ nhà giáo theo tiêu chí “kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện”. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng gây ấn tượng bởi mô hình tăng cường rau sạch, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ mầm non và xây dựng thư viện ngoài trời. Các phòng giáo dục và đào tạo Long Biên, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất… cũng ghi dấu ấn bởi sự chuyển biến về chất lượng giáo dục.
Những kết quả trên cho thấy, sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục Hà Nội diễn ra đều khắp các cấp học, các nhà trường. Đây là nền tảng để giáo dục Thủ đô tiếp tục vững bước trên lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.