Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không làm theo phong trào

Minh Đức| 01/10/2015 06:41

(HNM) - Việc triển khai mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) đã bước sang năm thứ tư với hai cấp tiểu học và THCS. Ghi nhận thực tế và đánh giá của Bộ GD-ĐT cho thấy, các trường áp dụng mô hình này đều có những chuyển biến rõ nét cả về diện mạo và chất lượng giáo dục.


Điểm khác với mô hình truyền thống?


Dù đã được triển khai đến năm thứ tư song không hẳn bậc phụ huynh nào cũng hiểu rõ về mô hình trường học mới. Khá nhiều người bỡ ngỡ, không hiểu mô hình trường học mới khác gì với mô hình truyền thống. Thực tế cũng cho thấy, chính vì không biết rõ những khác biệt, những mặt "được" của mô hình này đối với quá trình phát triển phẩm chất, năng lực học sinh (HS), nên nhiều phụ huynh đã có ý kiến phản đối, thậm chí nhiều phụ huynh đã làm đơn xin chuyển trường, chuyển lớp cho con. Việc lo lắng trước một mô hình trường mới áp dụng là điều dễ hiểu, nhưng điều này hoàn toàn được hóa giải nếu công tác tuyên truyền được thực hiện cụ thể hơn, không chỉ tới phụ huynh có con theo học tại các trường áp dụng VNEN, mà còn với nhiều phụ huynh có con ở tuổi đến trường.

Một lớp học theo mô hình VNEN.



Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, mô hình trường học mới khắc phục được nhược điểm của mô hình truyền thống là nặng về truyền thụ kiến thức có tính áp đặt. Có thể thấy sự khác biệt của mô hình VNEN so với mô hình nhà trường truyền thống trên nhiều phương diện, trong đó đáng chú ý là sự đổi mới về phương pháp dạy và phương pháp học. Theo đó, với mục tiêu lấy "hoạt động học" làm trung tâm, HS là trung tâm, nên giáo viên không giảng bài, truyền thụ kiến thức một chiều cho cả lớp nghe, mà là người hướng dẫn HS tự học. Cũng vì sự thay đổi này trong phương pháp dạy học nên HS trong lớp được bố trí chỗ ngồi theo từng nhóm chứ không ngồi hướng mặt đồng loạt lên bục giảng như trước. Mô hình này rất chú trọng hoạt động tự quản của HS, bao gồm tự quản, tự học và tự đánh giá.

Trong chuỗi hoạt động này, công tác đánh giá có nhiều khác biệt so với lớp học truyền thống. Sau một năm thí điểm, từ năm học 2014-2015, được sự đồng thuận của xã hội, nhất là những tác động của cách đánh giá mới trong việc giảm áp lực học tập với HS, phụ huynh và nhà trường, Bộ GD-ĐT chính thức quyết định áp dụng cách đánh giá bằng nhận xét với tất cả các trường tiểu học trên cả nước. Đây được xem là một bước phát triển mới của giáo dục tiểu học Việt Nam trên lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Giáo viên có vai trò quan trọng

Ở bất cứ giai đoạn nào, giáo viên cũng có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục tại từng đơn vị. Với việc áp dụng mô hình trường học mới, đội ngũ giáo viên càng có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi đội ngũ này phải nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng những đòi hỏi của mô hình trường mới. Nói về vai trò của đội ngũ này, ông Phạm Ngọc Định khẳng định: Sự thành, bại của mô hình trường học mới tại Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên trực tiếp. Thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, đây là giải pháp giáo dục khả thi, hiệu quả, đáp ứng được những yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì vậy, thách thức đối với đội ngũ giáo viên là không nhỏ.

Chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhận định, ngay một lúc đòi hỏi cả 300 nghìn giáo viên của 15 nghìn trường tiểu học trên cả nước có thể chủ động áp dụng phương pháp dạy học mới theo hướng phát huy tính sáng tạo, năng lực tự học của HS là điều không đơn giản. Vốn dĩ, phương pháp dạy học truyền thống đã ăn sâu bám rễ, thành thói quen khó bỏ của nhiều người. Chưa kể trong số này, những giáo viên lớn tuổi thường ngại thay đổi, khả năng cập nhật công nghệ thông tin, những ứng dụng hiện đại của phương pháp dạy học mới còn nhiều hạn chế.

Cách đây hai năm, khi quận Tây Hồ thí điểm mô hình trường VNEN tại Trường Tiểu học Tứ Liên và An Dương cũng đã gặp khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Hoài Long, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ nhớ lại: Khó khăn đầu tiên và lớn nhất khi ấy là từ phía giáo viên. Các thầy, cô giáo vẫn thường nhắc đến việc đổi mới trong dạy học, nhưng thực chất những việc gọi là đổi mới ấy, chỉ là những sáng kiến, những thay đổi nhỏ trên nền tảng cũ. Với mô hình VNEN không thể chỉ tạo ra những sáng kiến, những thay đổi nhỏ trong quá trình dạy học là được, mà phải thay đổi toàn diện, thay đổi từ tư duy bài giảng đến phương pháp lên lớp. Và để làm việc đó, mỗi giáo viên phải đào tạo lại chính mình, phải làm mới mình.
Còn một vấn đề khác cũng đáng lưu tâm, đó là dù việc triển khai mô hình VNEN không đòi hỏi quá nhiều về cơ sở vật chất, song điều kiện bảo đảm tối thiểu của các trường là phải có đủ phòng học để tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày. Đây là một thuận lợi cơ bản của các trường khu vực thành phố, trong đó có Hà Nội khi đã có tới hơn 90% số trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Dù vậy, với nhiều địa phương khác thì đây cũng là một thách thức không nhỏ.

Dù có nhiều ưu điểm, được sự hưởng ứng của nhiều địa phương, song cũng thấy rõ những khó khăn của cơ sở, năm học 2015-2016, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương tập trung quan tâm đến chất lượng, không chạy theo số lượng. Mỗi nhà trường tùy theo điều kiện cụ thể để lựa chọn áp dụng triển khai từng phần của mô hình một cách nghiêm túc, thực chất, không làm theo phong trào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không làm theo phong trào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.