Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không làm khó người dân

Thùy Ngân| 15/03/2016 07:08

(HNM) - Hơn hai tháng Luật Căn cước công dân (CCCD) có hiệu lực thi hành, đã có hàng nghìn tấm thẻ CCCD được cấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ luật này dẫn đến việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thẻ CCCD còn gặp khó khăn và phiền phức.

Cấp thẻ căn cước công dân tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (CATP Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy


Không cần lập tức làm thẻ CCCD

Mặc dù đã có chứng minh nhân dân (CMND) 12 số nhưng khi Luật CCCD có hiệu lực thi hành, anh Nguyễn Xuân Minh (quận Đống Đa) vẫn dẫn cả nhà đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH) ở 44 phố Phạm Ngọc Thạch để làm thẻ CCCD. Sau thời gian ngồi xếp hàng, anh Minh được cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải thích CMND 12 số của anh vẫn có giá trị sử dụng, do vậy không nhất thiết phải chuyển sang làm thẻ CCCD. Nghe vậy, vợ con anh đi về, còn anh Minh vì tiếc công đi nên vẫn quyết định làm thẻ CCCD và đến nay sở hữu hai loại giấy tờ tùy thân.

Theo ông Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH (Bộ Công an), CMND 9 số, 12 số và thẻ CCCD khác nhau về tên gọi nhưng giá trị sử dụng tương đương. Thẻ CCCD chỉ cập nhật thêm nhiều thông tin hơn CMND. Nếu CMND vẫn còn hạn sử dụng, công dân không nhất thiết phải đổi sang thẻ CCCD.

Quy định về độ tuổi đổi thẻ CCCD vào các năm công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi cũng khiến nhiều người băn khoăn. Chị Thu Bồn (quận Ba Đình) băn khoăn, CMND có giá trị sử dụng trong 15 năm, công dân muốn cấp đổi lại tùy thời điểm, nhu cầu, tại sao thẻ CCCD bắt buộc đổi vào các mốc thời gian nhất định. Khi đó sẽ dẫn đến những đợt cao điểm người dân đổ xô đi làm thẻ CCCD gây quá tải, ùn tắc, áp lực cho cả người dân lẫn cán bộ giải quyết hồ sơ.

Những công dân đã làm thẻ CCCD chỉ một vài tháng trước khi đến độ tuổi quy định thì khi đủ 25, 40, 60 tuổi có phải làm lại CCCD nữa không? Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Hồng Thái - Công ty Luật Hilap, phân tích: Nhiều người dân không có điều kiện tiếp cận văn bản luật gốc hoặc không có thời gian đọc kỹ các quy định mà chỉ nghe được các điểm trọng yếu đã bàn cãi hoặc lo lắng quá mức. Chỉ ngay sau mục quy định thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25, 40, 60 tuổi là mục ghi rõ "Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời gian 2 năm trước tuổi quy định thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo". Nắm rõ quy định này, người dân sẽ có nhiều thời gian để chủ động đổi CCCD phù hợp điều kiện, nhu cầu của mình.

Ông Lê Học Thu (Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH) khá ngạc nhiên trước thông tin hạn cuối cùng cấp thẻ CCCD là 31-12-2019, đến lúc đó tất cả công dân đều phải có thẻ CCCD? Ông Thu cho biết, thông tin đó là không đúng. Trong Luật CCCD có nêu thời gian từ khi luật có hiệu lực thi hành 1-1-2016 đến
31-12-2019 là thời gian chuyển tiếp. Bởi hiện nay mới có 18 tỉnh, thành phố đủ điều kiện triển khai cấp thẻ CCCD, các địa phương chưa có điều kiện về hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý thì chậm nhất từ ngày 1-1-2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật này. Chứ không phải đến ngày 1-1-2020 bắt buộc mọi công dân phải có thẻ CCCD.

Thẻ CCCD không gây phiền hà cho việc chuyển nhượng nhà đất

Trong khi các ngân hàng cho biết người dân không gặp khó khăn về giao dịch khi số CMND khác số CCCD nếu còn giữ CMND cũ hoặc có giấy xác nhận số CMND. Một số phòng công chứng cũng cho biết thủ tục công chứng hồ sơ của công dân có CMND đã đổi sang CCCD vẫn tiến hành bình thường. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh, khi tiến hành các giao dịch liên quan đến nhà đất, "sổ đỏ" gặp nhiều khó khăn khi dùng thẻ CCCD. Chị Trần Phương Liên (quận Hai Bà Trưng) bức xúc vì bị Văn phòng đăng ký đất đai giữ "sổ đỏ" đến nửa tháng trời, làm chậm các giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai.

Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Hai Bà Trưng cho biết: Không như các giao dịch và thủ tục hành chính khác, người dân chỉ cần xuất trình CMND cũ và mới hoặc giấy xác nhận thay đổi CMND cùng với thẻ CCCD sẽ được giải quyết. Nhà đất là một tài sản lớn của người dân, nên cần xử lý, giải quyết thận trọng. Để xác định chính xác quyền sở hữu, người dân phải xuất trình giấy tờ tùy thân trùng khớp với thông tin đã ghi trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

Nếu thông tin trên giấy chứng nhận với giấy tờ tùy thân của người dân không trùng khớp, phải tiến hành thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT và Quyết định 37/2015/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính này là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Hoàn thành thủ tục này người dân mới tiến hành giao dịch nhà đất theo nhu cầu.

Bất kỳ quy định pháp luật nào khi áp dụng vào thực tiễn cũng đều phát sinh những vấn đề nhất định. Người dân cần tìm hiểu kỹ nội dung, hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật, có thể trao đổi làm rõ vấn đề mình quan tâm để giải quyết công việc thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, cơ quan phổ biến pháp luật cần tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ, chính xác về quy định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không làm khó người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.