(HNM) - Vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza (quận 8, TP Hồ Chí Minh) làm 14 người thiệt mạng xảy ra rạng sáng 23-3 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các đô thị trong cả nước: Không được lơ là với
Tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho người dân tại chung cư EcoHome 1 (quận Bắc Từ Liêm). |
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội: Chung cư cao tầng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ
Chung cư cao tầng là loại hình cơ sở trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Do tập trung nhiều người dân sinh sống nên khi có cháy xảy ra sẽ gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và tạo dư luận, tâm lý bất an cho người dân. Vụ cháy tại chung cư Carina Plaza, qua báo chí phản ánh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều người bị ngạt khói và tử vong là do ý thức của người dân còn hạn chế. Việc dùng các vật dụng để chèn cửa thoát hiểm mở vào các buồng thang dẫn đến khói, khí độc (từ khu vực cháy là tầng hầm) lan theo trục đứng buồng thang bộ, trục ngang hành lang các tầng và len vào căn hộ dân cư qua các khe cửa đi, cửa sổ để hở. Nếu cửa các buồng thang bộ bảo đảm duy trì thường xuyên cơ cấu đóng kín, kết hợp với các hệ thống tăng áp, hút khói hoạt động hiệu quả thì nhiều cư dân khi thoát ra hành lang, vào buồng thang bộ sẽ không bị ngạt khói và thoát nạn an toàn.
Để bảo đảm an toàn, chúng tôi khuyến cáo người dân chỉ nhận bàn giao căn hộ khi công trình được cơ quan Cảnh sát PCCC nghiệm thu về PCCC và đồng ý đưa công trình vào hoạt động. Đồng thời tham gia đầy đủ các lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ do tòa nhà tổ chức để có kỹ năng xử lý tình huống khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, các cư dân cũng nên có ý thức tự trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu (bình chữa cháy), các phương tiện, dụng cụ cứu hộ, cứu nạn (mặt nạ phòng độc, thang dây)...
Ông Phan Văn Ngoạn, Phó Trưởng ban quản trị, chung cư An Lạc, Khu đô thị Nam La Khê (quận Hà Đông): Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là của toàn dân
Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16-12-2014 quy định: Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới có trên 100 người thường xuyên làm việc thì biên chế của Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở tối thiểu là 25 người. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chung cư chưa thành lập được Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, hoặc có thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả. Lý do, thành viên Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở gồm cư dân sinh sống tại tòa nhà và cán bộ, công nhân viên Ban quản lý tòa nhà, nhưng đa phần cư dân được giới thiệu vào Đội không tham gia đầy đủ, kể cả khi tổ chức tập huấn PCCC, trong khi đó chế tài xử lý không có.
Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy là của toàn dân, chứ không riêng Ban quản trị hay Ban quản lý tòa nhà, do vậy cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về PCCC, kỹ năng thoát nạn cho cư dân khi xảy ra cháy nổ, mỗi người dân cần nêu cao tình thần trách nhiệm trong công tác PCCC, tích cực tham gia Đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và các đồng nghiệp: Nếu không thực hiện quy định - cần phải khởi tố để làm rõ trách nhiệm
Theo quy định, trước khi xây dựng, tất cả các khu chung cư khi hoàn thiện, hệ thống PCCC của tòa nhà phải được cơ quan chức năng nghiệm thu theo đúng quy trình đề ra. Hệ thống PCCC phải bảo đảm các yếu tố: Hệ thống báo khói, báo nhiệt, cảm ứng nhiệt và hệ thống đèn chỉ dẫn hướng thoát nạn trong trường hợp hệ thống điện bị ngắt khi xảy cháy. Khi đưa công trình vào hoạt động, chủ đầu tư hoặc Ban quản trị phải tổ chức đội PCCC với đầy đủ trang thiết bị và được huấn luyện kỹ càng về kỹ năng.
Dư luận đang băn khoăn tại sao một chung cư cao cấp, mới đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng khi xảy cháy, toàn bộ hệ thống báo cháy, báo khói và cả hệ thống phun nước tự động đều tê liệt? Do đó, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án, căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra để xác định rõ tội danh của từng cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan để truy tố đúng người, đúng tội vì đã vi phạm quy định về PCCC.
Vũ Thúy Biên (ở Khu đô thị mới Đặng Xá 2, huyện Gia Lâm): Sơ suất nhỏ gây hậu quả lớn
Vụ cháy chung cư Carina Plaza một lần nữa nhân thêm sự bất an đối với nhiều người dân chọn chung cư làm nơi an cư. Thông tin ban đầu cho biết các cửa thoát hiểm (yêu cầu luôn luôn đóng) của chung cư này bị người dân dùng gạch chèn cửa mở khiến khói từ dưới bốc lên rất nguy hiểm. Đây là sự thiếu hiểu biết trong PCCC, cứu hộ cứu nạn. Thực tế hiện nay, tại các tòa nhà chung cư, người dân thường mở các cửa thang thoát hiểm để lấy sáng, lấy gió. Ngoài ra, nhiều nơi cửa hỏng không được sửa chữa. Một số nơi, bảo vệ đi tuần soát hằng ngày cũng không hề chú ý hay nhắc nhở người dân đóng cửa thoát hiểm. Tại các chung cư tái định cư, lối thoát hiểm đã thành nơi tập kết đủ loại hàng hóa, vật dụng ngăn cản thoát nạn khi cần thiết… Chính những sơ suất nhỏ như thế này gây ra hậu quả lớn khi xảy ra hỏa hoạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.