(HNM) - Vấn đề đặt ra là làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động liên quan, cũng như biện pháp triển khai cụ thể.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch TTX quốc gia gồm 12 nhóm hoạt động, với nhiều hành động cụ thể, theo 4 chủ đề như: Xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch TTX tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất và thực hiện xanh hóa lối sống, tiêu dùng bền vững. Các chuyên gia xác nhận, việc quyết tâm theo đuổi chính sách và mục tiêu TTX là yêu cầu tự thân của nền kinh tế trong quá trình thực hiện CNH - HĐH. Trong đó, sự kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, với sự gia tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế sẽ là điểm nhấn.
Sản xuất công nghiệp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh: Viết Thành |
Tuy nhiên, việc thực hiện TTX không chỉ là thuận lợi bởi còn phải đối phó với một số khó khăn, không dễ vượt qua. Đó là yêu cầu lớn về vốn, lên tới 30 tỷ USD cho thời gian từ nay đến năm 2020; năng lực, kinh nghiệm quản lý của các đơn vị liên quan còn hạn chế; thiếu các chính sách huy động nguồn lực tài chính và khó khăn trong việc huy động nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kế hoạch TTX quốc gia bao gồm sự vào cuộc của hầu hết các địa phương, ngành sản xuất với những nhiệm vụ cụ thể, gắn liền với đặc điểm và yêu cầu phát triển bền vững của địa phương, ngành, doanh nghiệp. Mỗi đơn vị tự xác lập kế hoạch, nghiên cứu phương án, nội dung để triển khai TTX trong đó lưu ý một số yêu cầu quan trọng như cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực; đào tạo lao động "xanh"; cơ chế theo dõi, đánh giá, báo cáo…
Thực hiện kế hoạch TTX tỉnh Quảng Ninh đã đưa TTX vào quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn 2030 như một nội dung xuyên suốt. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh xác định vừa làm vừa rút kinh nghiệm thực tiễn để có những điều chỉnh phù hợp; tăng cường đầu tư cho phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ mới; đặc biệt là bảo đảm hài hòa giữa khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản với bảo vệ cảnh quan, môi trường sống vì mục đích xanh - sạch - đẹp lâu dài.
Ở góc độ từng ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị loại bỏ quan điểm "hy sinh" nông nghiệp để phục vụ CNH và đô thị hóa; càng không chấp nhận việc "đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế". Các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp được gợi ý cần áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng năng lượng, các loại giống, thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp theo hướng tiết kiệm, an toàn. Ở góc độ khác đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu đề xuất, cần xác định khung pháp lý, gồm hình thành các kế hoạch hành động, các dự án ưu tiên cho phòng chống biến đổi khí hậu và TTX; xây dựng cơ chế thị trường để hình thành nguồn tài chính cho TTX. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ chú trọng hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa cơ quan chức năng Việt Nam với đối tác quốc tế; tạo môi trường thông thoáng để thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực TTX (dưới hình thức chuyển đổi công nghệ/dự án thí điểm hoặc nghiên cứu điển hình) đồng thời cho phép triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng, sản xuất điện thỏa mãn mục tiêu TTX.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.