Hà Nội kết nối

Tỉnh Bình Dương hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

Hà Phạm 04/04/2024 - 12:30

Bình Dương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

bd1.jpg
Bình Dương phát triển nguồn năng lượng mặt trời hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh.

Đón đầu xu thế

Theo định hướng tương lai, Bình Dương sẽ thực hiện chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh bằng việc phát thải carbon thấp, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính.

Đón đầu xu thế trên, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với nền kinh tế tuần hoàn đang được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Điển hình như một số mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đã được triển khai tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP III, hay như Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường, góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh.

Tương tự, Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180ha tại huyện Phú Giáo.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương Ngô Quang Sự, cho biết, tỉnh đã đầu tư Nhà máy sản xuất phân Compost với công suất 1.680 tấn/ngày để tái chế chất thải sinh hoạt, xây dựng nhà máy đốt rác thải phát điện với công suất 4,6MW (200 tấn rác thải/ngày)..., nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh để phát triển bền vững.

Trao đổi với Báo Hànộimới, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận, cho biết, Becamex IDC đang cùng Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu thúc đẩy cơ hội phát triển KCN sinh thái (EIP) đầu tiên ở Việt Nam theo khung quốc tế EIP 2.0 của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), đồng thời, đáp ứng các tiêu chí theo định hướng của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

bd2.jpg
Khu công nghiệp VSIP là mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ điển hình của Bình Dương.

Cụ thể, hệ sinh thái EIP mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội và bổ sung cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ tích hợp hiện hữu của Becamex IDC. Mặt khác, Becamex IDC từng bước cải tiến mô hình quản trị - vận hành KCN theo tiêu chí ESG (tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp) để hỗ trợ toàn diện cho nhà đầu tư, lan tỏa trong cộng đồng để hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

“Với định hướng phát triển bền vững, hệ sinh thái mới này kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi mô hình KCN hiện tại thành các KCN thông minh và xanh hơn”, ông Phạm Ngọc Thuận nhấn mạnh.

Kế hoạch hành động cụ thể

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2022-2030 với 4 mục tiêu và 18 chủ đề hành động. Trong đó, xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

bd3.jpg
Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh của Tập đoàn Lego đang được xây dựng.

Cùng với đó, tỉnh định hướng triển khai thực hiện đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng và phát triển mô hình KCN sinh thái.

Để thu hút các KCN theo hướng xanh hóa, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín, cho hay, tỉnh đang tập trung triển khai thành lập KCN khoa học và công nghệ với diện tích 400ha tại huyện Bàu Bàng; nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới. Giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào các KCN sẽ có sự chuyển biến theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và phát triển bền vững.

bd4.jpg
Bình Dương phát triển nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Hiện, Bình Dương đã quy hoạch được 33 KCN (tổng diện tích quy hoạch 14.790ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam) và 12 cụm công nghiệp (tổng diện tích hơn 789ha). Trong đó, có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 11.962ha; 1 KCN đang tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng là Cây Trường với diện tích 700ha; 10 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích hơn 648ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đi vào hoạt động khoảng hơn 67%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, nhấn mạnh, tỉnh luôn nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường và thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng. Qua đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Bình Dương hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.