(HNM) - Hiện đang trong mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019, lượng người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường của Thủ đô khá đông, nhưng tình trạng thiếu ý thức, vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông xuất hiện nhiều.
Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội xử lý một trường hợp vi phạm. Ảnh: Bá Hoạt |
Nan giải vi phạm giao thông
Ghi nhận tại nút giao thông Pháp Vân những ngày cuối tháng 2-2019, có khá nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông bị Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) phát hiện, xử lý. Trong đó, đa phần là người điều khiển xe máy vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Phân bua về việc không đội mũ bảo hiểm, chị Nguyễn Thị Huệ (24 tuổi, trú ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) cho biết do bị trễ giờ làm nên “quên”. Lý do “hoàn cảnh” cũng là cách giải thích của nhiều người để mong được bỏ qua lỗi vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn kiên quyết xử lý nghiêm.
Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 cho biết, qua 3 tháng thực hiện cao điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các vi phạm của người điều khiển xe máy chiếm khoảng 60% tổng số các vi phạm bị phát hiện, xử lý. Ngoài ra, trong thời gian này, đội đã xử lý gần 400 xe khách, hơn 200 xe tải vi phạm. Các lỗi chính mà người điều khiển xe khách, xe tải mắc phải thường là đi vào đường cấm, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định…
Anh Trịnh Ngọc Quế (quê Thanh Hóa) lái xe hợp đồng tuyến Thanh Hóa - Hà Nội bị lực lượng cảnh sát giao thông xử lý vì lỗi dừng đỗ không đúng nơi quy định tại đường Trần Thủ Độ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết, bản thân cũng nhận thức được việc làm của mình là sai nhưng do hành khách yêu cầu nên đã “liều” trả khách tại tuyến đường cấm.
Không chỉ trên các tuyến đường bộ, giao thông đường thủy tại các điểm di tích, lễ hội, đặc biệt là tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức) cũng xảy ra vi phạm. Mùa lễ hội năm nay có khoảng hơn 4.000 đò tham gia phục vụ du khách tại chùa Hương. Số đò này được sơn lại đồng bộ màu xanh, gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác. Lực lượng Công an huyện Mỹ Đức cũng chủ động tuyên truyền, tập huấn cho các lái đò về công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.
Tuy nhiên, ghi nhận tại khu vực suối Yến, tình trạng du khách đi đò không được trang bị áo phao vẫn diễn ra phổ biến. Một số đò trang bị phao cứu sinh chỉ để đối phó với lực lượng chức năng.
Cùng gia đình đi trên một chiếc đò nhưng không được người lái phát áo phao, chị Vũ Thị Hiền (trú tại CT7F Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) lo lắng: “Mặc dù suối Yến độ sâu không lớn nhưng với những người không biết bơi hoặc trẻ nhỏ, vô tình ngã xuống suối cũng rất nguy hiểm nếu không được trang bị áo phao”.
Trao đổi với Trung úy Ngô Mạnh Long, cán bộ Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) được biết, vẫn còn các chủ phương tiện vi phạm nội quy, quy định như chở quá số người quy định, không trang bị áo phao...
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố, tháng 2-2018 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý khoảng 3.000 trường hợp vi phạm. Còn theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trong tháng 2-2019, Thanh tra Sở đã tiến hành kiểm tra, xử phạt gần 750 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt lên đến gần 1,4 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 100 trường hợp, tạm giữ 11 phương tiện, tước có thời hạn 7 phù hiệu xe ô tô khách.
Tăng cường xử lý vi phạm
Một trường hợp điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm bị xử phạt. Ảnh: Thái Hiền |
Ngay trong những ngày sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, lực lượng cảnh sát giao thông đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ công tác, không có tâm lý chủ quan, nghỉ ngơi sau Tết. Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết, từ cuối năm 2018, đơn vị đã xác định tình hình sau Tết Nguyên đán có nhiều lễ hội diễn ra, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố tăng cao.
Do đó, đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông như bố trí lực lượng làm nhiệm vụ tại các nút giao thông trọng điểm, lễ hội, khu di tích, nơi vui xuân, đấu tranh với tình trạng chèo kéo du khách gây mất trật tự an toàn giao thông… Phục vụ lễ hội chùa Hương, đơn vị đã xây dựng riêng một kế hoạch bảo đảm an toàn giao thông đường thủy. Trong đó, không chỉ tăng cường tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông còn bổ sung lực lượng tham gia ứng trực trên dòng suối Yến xử lý nghiêm vi phạm của các chủ đò.
Theo Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, sau khi tham gia bảo đảm tuyệt đối an toàn Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông Thủ đô tiếp tục tập trung xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông. Đơn vị tiếp tục duy trì 24 tổ công tác phối hợp giữa cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động; cùng các cơ quan chức năng kiểm tra sức khỏe đối với tất cả lái xe kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy…
Lực lượng cảnh sát giao thông cũng khuyến cáo, trong khi tham gia các lễ hội, du xuân tại các địa điểm tâm linh, người dân cần lưu ý chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Khi lưu thông qua các địa điểm tâm linh đền, chùa, nơi tập trung đông người có thể xảy ra ùn tắc, người dân cần bình tĩnh, hành xử có văn hóa, chấp hành pháp luật và sự điều tiết giao thông của lực lượng chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.