Giao thông

Góp ý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cần quy định mở về quỹ đất dành cho đường bộ

Mai Hữu 12/04/2024 07:01

Tại hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức ngày 11-4, các đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ, có quy định mở về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, giao thông đô thị phù hợp với thực tế.

quang-canh-hoi-nghi-gop-y-v.jpg
Quang cảnh hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cân nhắc quy định về quỹ đất cho giao thông đô thị

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đường bộ, giảng viên cao cấp Đại học Xây dựng Vũ Hải Nam cho biết, dự thảo luật quy định việc quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26% để phát triển đô thị trong tương lai. Nếu quy định tỷ lệ như vậy, khi quy hoạch buộc phải thu hồi đất sẽ tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa nhận định, trong quá trình tổ chức triển khai các đồ án quy hoạch về mạng lưới đường giao thông có nội dung về cấp bậc của đường, bãi đỗ xe…, nhưng các nội dung này trong dự thảo luật chưa được quy định. Về không gian ngầm, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, cần được tích hợp vào tỷ lệ quỹ đất giao thông trên mặt đất bởi chưa có tỷ lệ để đánh giá quỹ đất không gian ngầm.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình, các nội dung về quy hoạch trong dự thảo Luật Đường bộ cần quy định “mở” để bảo đảm cơ chế thực hiện các quy hoạch liên quan đến giao thông trong tương lai. “Trước đây các phương tiện dàn hàng ngang trên mặt đất thì bây giờ có phương tiện ngầm, phương tiện trên cao, phương tiện công cộng và những phương tiện hiện đại trong tương lai sẽ xuất hiện. Do đó, chúng ta không nên bó cứng quy định về tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị”, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên nói.

Cùng quan tâm đến quy hoạch giao thông, Phó Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội) Từ Ngọc Lâm cho rằng, cần quy định về xây dựng điểm dừng, đỗ phương tiện tại tất cả các trường học để trong trường hợp cơ sở giáo dục trong quá trình cải tạo, nâng cấp có thể quy hoạch thêm không gian các điểm dừng, đỗ phương tiện.

Cần duy trì quy định nồng độ cồn “bằng 0”

Đối với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Nguyễn Hồng Tuyến nhất trí với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Chủ tịch Hội Luật gia thành phố cũng cho rằng, việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có quy định xử lý đối với hành vi người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe máy, xe chuyên ngành mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đang mang lại tác dụng rất tích cực, dần hình thành thói quen văn hóa “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” trong đời sống xã hội.

Về phân loại phương tiện giao thông đường bộ, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội) Lê Thanh Hiếu nêu quan điểm, quy định trong luật đã khá chi tiết nhưng chưa đề cập một số loại mà trẻ em, người chưa thành niên đang sử dụng để tham gia giao thông như xe điện 2 bánh tự cân bằng, xe trượt scooter, vali điện tự di chuyển… tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Với nội dung giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu lại, việc định kỳ khám sức khỏe đối với người lái xe ô tô là cần thiết. Tuy nhiên, cần khoanh vùng nhóm đối tượng, để tránh gây lãng phí thời gian, kinh phí của người dân.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai đã tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý nhà nước để chuyển đến cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ bảy sắp tới.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh:
Rà soát kỹ nội dung đầu tư đường cao tốc đô thị

nguyenconganh.jpg

Hiện nay, vấn đề đang được quan tâm đó là mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (TOD) có liên quan đến phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu đưa khái niệm về TOD vào Luật Đường bộ để phục vụ cho công tác quản lý và phát triển chính sách phát triển giao thông đường bộ.

Dự thảo có quy định về nội dung về đầu tư đường cao tốc đô thị, đối với nội dung này, ban soạn thảo cần rà soát để việc đầu tư, xây dựng đường cao tốc tại khu vực đô thị phải bảo đảm an toàn và đồng bộ với hệ thống các biển báo chỉ dẫn, tránh tình trạng phương tiện xe máy đi sai vào làn đường cao tốc do hệ thống biển báo chưa rõ ràng, tình trạng này đang khá phổ biến ở khu vực Đại lộ Thăng Long.

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Hà:
Bảo đảm tính linh hoạt

nguyenvanha.jpg

Quỹ đất dành cho giao thông nếu tiếp cận ở góc độ Luật Đường bộ thì phù hợp, nhưng nếu nhìn ở các luật khác sẽ không phù hợp vì ở mỗi tỉnh có quy hoạch sử dụng đất khác nhau. Hệ thống giao thông đồng bộ nhưng điều kiện kinh tế cho từng địa phương sẽ có đặc trưng khác nhau. Quy định quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong dự thảo Luật Đường bộ có thể phù hợp với địa phương này nhưng lại không phù hợp với địa phương khác. Vì thế khi đưa 18%, 20% hay 26% quỹ đất dành cho hoạt động giao thông có thể chỉ phù hợp với một số tỉnh.

Do đó, để bảo đảm tính linh hoạt trong Luật Đường bộ, tôi cho rằng cần bỏ ra ngoài quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ. Mặc dù trong luật không quy định nhưng các luật chuyên ngành khác, đặc biệt là Luật Đất đai có rất nhiều các mảng liên quan đến quy hoạch, trong đó có quy hoạch liên quan đến giao thông. Từ đó, tôi cho rằng bỏ quy định này cũng không ảnh hưởng đến phát triển mạng lưới giao thông và quy hoạch sử dụng đất dành cho giao thông.

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Trần Danh Lợi:
Quy định rõ trách nhiệm thiết kế kết cấu hạ tầng giao thông

trandanhloi.jpg

Tôi kiến nghị quy định về làn đường cần được đưa ra cụ thể, cần quy định làn đường rộng từ 2,75m đến 3,25m. Từ trước đến nay, liên quan đến tai nạn giao thông chỉ xử lý về người gây ra tai nạn giao thông và người bị tai nạn giao thông, nhưng rất ít khi xử lý người thiết kế kết cấu hạ tầng giao thông. Chúng ta gần như buông lỏng về trách nhiệm của đối tượng này trong xử lý các vấn đề về an toàn giao thông. Người thiết kế có đúng yêu cầu hay không, có an toàn hay không phải được quy định rõ trách nhiệm trong dự thảo Luật Đường bộ.

Với những nội dung của dự thảo Luật Đường bộ giao Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết, tôi cho rằng cần có thể lệ vận tải để quy định những vấn đề luật chưa quy định chi tiết. Tôi cũng cho rằng cần có thái độ kiên trì, nghiêm khắc hơn nữa trong hạn chế phương tiện giao thông cá nhân với những chính sách pháp luật “gây khó” cho các đối tượng cần hạn chế.

Mai Tiến ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Cần quy định mở về quỹ đất dành cho đường bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.