Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để lỡ "thời cơ vàng"

Tuấn Kiệt| 06/06/2015 06:20

(HNM) - Dự án xây dựng Sân bay Long Thành đã tìm được sự đồng thuận cao của Quốc hội. Trong phiên thảo luận sáng 4-6, gần như tuyệt đối các đại biểu Quốc hội có ý kiến đều kết thúc bằng câu


Đó là dấu hiệu tốt đẹp cho một dự án lớn đã tiêu tốn quá nhiều thời gian cho nghiên cứu, phản biện. Hai ngày trước đó, ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng được tái khởi động. Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, lập đề án xây dựng tuyến đường sắt hiện đại này trình Quốc hội trước năm 2020. Năm 2010, ý tưởng về một tuyến đường sắt mới xuyên Việt trị giá 56 tỷ USD đã được đưa ra, nhưng không tìm được sự đồng thuận từ phía các đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ cho hậu thế. Những lý do này cũng đã được đặt ra với dự án Sân bay Long Thành.

Hai dự án nói trên đều có thể xếp vào nhóm "siêu dự án" với lượng vốn đầu tư rất lớn. Vì thế nhiều người lo ngại gánh nặng nợ nần sẽ chất chồng khiến nền kinh tế đất nước còn nhỏ, yếu sẽ khó vượt lên được. Đất nước còn nghèo, cần phải cân đong đo đếm sao cho từng đồng vốn đầu tư có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng cân đong không có nghĩa là không thực hiện những dự án có thể làm thay đổi vị thế đất nước. Đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay sân bay Long Thành đều có thể coi là những dự án có tầm nhìn xa, cần phải làm và chắc chắn mang lại lợi ích lớn hơn cho đất nước.

Những người đang sống ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh cảm nhận rõ hơn ai hết về sự mệt mỏi trước tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay. Nạn tắc đường, kẹt xe triền miên, không chỉ tác động tiêu cực đến mỗi con người mà còn làm kéo lùi sự phát triển của mỗi thành phố. Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể ra rất nhiều, trong đó có những giới hạn về tầm nhìn, do đó chưa đưa ra được những quy hoạch mang tính dự báo.

Có thể đặt câu hỏi với dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Sau 30 hay 50 năm nữa, liệu con cháu chúng ta có thể chấp nhận vật vã mấy chục tiếng đồng hồ cho quãng đường 1.700km từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, trong khi người dân các nước quanh ta hằng ngày có thể đi làm xa tới hàng trăm cây số bởi họ chỉ mất có hơn 1 giờ đi tàu?

Vận tải hàng không đang có xu hướng trở thành phương tiện phổ biến vì lợi thế tốc độ. Vì thế, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không chắc chắn sẽ tăng mạnh trong tương lai gần vì tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất đã hiện hữu. Như vậy, những ý kiến cho rằng, thời điểm này mới quyết xây sân bay Long Thành đã quá muộn là hoàn toàn có cơ sở.

Thế giới phát triển, thời gian và tốc độ là những lợi thế. Đầu tư cho hạ tầng giao thông chắc chắn sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt. Chúng ta sớm có đường sắt cao tốc, sân bay tầm cỡ khu vực năm nào sẽ bớt thiệt hại năm đó. Tìm cơ hội "vàng" thông qua các dự án lớn như nhận định của giới chuyên gia chính là bước đột phá cho Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không để lỡ "thời cơ vàng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.