Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chủ quan

Gia Khánh| 02/10/2022 06:09

(HNM) - Bứt phá ngoạn mục, vượt cả những dự báo tích cực nhất là đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý về kinh tế quý III và 9 tháng năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, trên đà phục hồi tích cực từ đầu năm 2022, nhiều tổ chức trong và ngoài nước dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2022 ở mức 10%-11% và thực tế mức tăng đạt được là 13,67%. Đặc biệt, tăng trưởng nhiều ngành, lĩnh vực cao hơn kỳ vọng đã giúp GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

Xét về từng lĩnh vực, khu vực nông nghiệp tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng trưởng 10,57%, đóng góp tới 54,17% vào mức tăng chung. Đáng chú ý, thương mại tăng trưởng mạnh, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4.170 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng hơn 15%, ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD… Điều đó cho thấy, công nghiệp, dịch vụ, thương mại tiếp tục là những trụ cột của tăng trưởng kinh tế.

Tín hiệu tích cực nữa là cùng với tăng trưởng GDP cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng nhẹ, bình quân 9 tháng năm 2022 là 2,73% và lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Trên cơ sở diễn biến tích cực đó, dự báo cả năm 2022, GDP có thể tăng 8% nếu nền kinh tế không có biến động lớn, bất thường.

Song điều không thể chủ quan là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Đó là giá xăng, dầu, nguyên liệu trên thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng khó dự báo. Nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ suy thoái khiến thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bị thu hẹp, sức mua giảm. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và ngày càng quan hệ sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới nên tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tổng cầu bên ngoài; biến động giá cả hàng hóa và lạm phát trên thế giới có tác động nhất định đến giá cả và lạm phát trong nước. Đáng chú ý, việc GDP quý III và 9 tháng năm 2022 tăng cao còn do quý III-2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh làm GDP giảm hơn 6% so với năm 2020.

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, các chính sách cần tiếp tục được điều hành linh hoạt, thận trọng; chính sách tiền tệ kết hợp với tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát và bảo đảm tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra. Không chủ quan với lạm phát đòi hỏi các cấp, ngành phải chủ động theo sát diễn biến thị trường, giá cả trong nước và thế giới, sẵn sàng cảnh báo nguy cơ, đề ra biện pháp ứng phó, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Đi cùng với đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công vốn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ, nhất là với những dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao, tạo ra tăng trưởng kinh tế; đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên, các khoản chưa thực sự cần thiết, dành nguồn lực cho các chương trình cấp bách.

Trong bối cảnh tín dụng, lãi suất tín dụng đang được điều hành theo hướng thắt chặt để chống lạm phát, gói hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách càng cần được đẩy nhanh và bảo đảm hiệu quả. Ngoài ra là khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, đi cùng với tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Không chủ quan và chủ động giải pháp để tự tin vượt qua khó khăn sẽ giúp đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.