Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ trông chờ người lao động tự ý thức

Hà Hiền| 21/01/2018 07:45

(HNM) - Vụ sập giàn giáo công trình xây dựng ở quận Nam Từ Liêm ngày 17-1, làm 6 người thương vong là lời cảnh báo mới nhất về nguy cơ mất an toàn lao động.


Đa số người lao động làng nghề tiện gỗ Nhị Khê, xã Nhị Khê (Thường Tín) thờ ơ với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.


Người lao động bất cẩn

Chứng kiến người lao động làng nghề tiện gỗ Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) làm việc trong môi trường thiếu an toàn, bất cứ ai cũng cảm thấy lo lắng. Trong không gian vài chục mét vuông, gia đình anh Lê Duy Hoàn đặt 3 máy tiện, một máy cắt gỗ với thường xuyên 4 người làm việc. Máy kêu ầm ĩ, bụi bay mù mịt, dây điện chằng chịt, gỗ bày ngổn ngang, nhìn bằng mắt thường cũng thấy nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động hiển hiện, nhưng mọi người vẫn thản nhiên làm việc mà không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động. Vừa dùng tay trần đưa gỗ vào máy tiện, anh Lê Duy Hoàn vừa trò chuyện: “Cả làng này ai cũng thế, làm mãi thành quen. Người nào khó chịu với bụi thì đội mũ, nón, đeo khẩu trang, chứ không ai trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Mặc đồ bảo hộ lao động rất khó làm việc”.

Ông Lê Chí Thắng, Phó Trưởng thôn Nhị Khê cho hay, nghề tiện gỗ thu hút hơn 90% số hộ với hơn 1.000 lao động. Nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân, nhưng khó tránh khỏi mất an toàn vệ sinh lao động. Những năm trước, ở Nhị Khê từng xảy ra vài vụ tai nạn lao động. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân chủ động phòng, chống cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, song do thói quen làm nghề, rất ít người quan tâm...

Tương tự làng Nhị Khê, người lao động ở hơn 40 làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín cũng chưa chú trọng tới việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Ở các làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao như Vạn Điểm (nghề mộc), Duyên Thái (nghề sơn mài), Tiền Phong (nghề bông len…, việc phòng, chống tai nạn lao động phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân. Lý giải về tình trạng này, ông Uông Đình Hưng, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thường Tín cho biết, các làng nghề hoạt động trong khu dân cư nên đa số hộ vẫn sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ tại nhà ở. Khi gia đình không cho phép, lực lượng chức năng khó có thể vào từng gia đình để kiểm tra và yêu cầu người lao động nghiêm túc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Do người lao động chủ quan, thờ ơ, tai nạn lao động tại các làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín tuy chưa nghiêm trọng nhưng năm nào cũng có. Điều đáng nói là khi xảy ra tai nạn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình thường giấu kín để bảo vệ uy tín, thương hiệu, nên số vụ việc được thống kê chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Cần ràng buộc trách nhiệm

Chủ động phòng, chống tai nạn lao động, hằng năm, UBND huyện Thường Tín đều ban hành kế hoạch hành động bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và yêu cầu mọi người, mọi nhà, mọi ngành phát triển sản xuất, kinh doanh phải đi đôi với cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ môi trường. Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh lao động huyện Thường Tín thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt phong trào thi đua “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, đồng thời kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trên diện rộng. Chính quyền các địa phương, nhất là những nơi có làng nghề, coi việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện. Ngoài ra, huyện Thường Tín đã quy hoạch một số cụm, điểm công nghiệp, làng nghề với diện tích 25ha - 30ha, tạo điều kiện cho các hộ tập trung mở rộng sản xuất, từng bước khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường, hạn chế nguy cơ thiếu an toàn lao động.

Không thể phủ nhận rằng, các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động mà huyện Thường Tín đã và đang triển khai đều đúng và trúng. Song, do quy hoạch cụm, điểm công nghiệp, làng nghề còn “tắc” ở một số địa phương nên giải pháp chưa thực sự đi vào đời sống. “Một hộ sản xuất nhỏ lẻ có thể không đủ kinh phí đầu tư, trang bị phương tiện bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, nhưng khi nhiều hộ tập trung vào một điểm, cụm làng nghề thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Vì thế, chính quyền và người dân xã Nhị Khê mong muốn điểm công nghiệp làng nghề Nhị Khê sớm được phê duyệt, triển khai”, ông Nguyễn Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê kiến nghị.

Song song với hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, ông Uông Đình Hưng mong muốn các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động, đồng thời có chế tài xử lý đủ mạnh với những người có hành vi trái quy định hiện hành. Công tác kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ cần được tiến hành trước khi các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động.

Về phía người lao động, ngoài ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn, tất cả cần yêu cầu chủ sử dụng nhân công ký hợp đồng lao động, trong nội dung hợp đồng cần có các điều khoản cam kết bảo đảm an toàn lao động giữa hai bên. Bên cạnh đó, người lao động nên tham gia bảo hiểm xã hội, bởi khi không may bị tai nạn lao động, bảo hiểm xã hội chính là “phao cứu sinh” cho họ trong quãng đời còn lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ trông chờ người lao động tự ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.