Lao động - Việc làm

Nhiều chuyển biến trong công tác an toàn lao động

Bạch Thanh 16/11/2023 - 07:24

Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong các hợp tác xã của thành phố Hà Nội từng bước được quan tâm, chú trọng.

Cán bộ, người lao động của các hợp tác xã đã được tham gia nhiều lớp tập huấn, thực hành về an toàn, vệ sinh lao động, nên công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

nhan-vien-hop-tac-xa-kinh-d.jpg
Nhân viên Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ Minh Châu (huyện Ba Vì) kiểm tra, bảo dưỡng đường dây điện trên địa bàn.

Nhu cầu từ thực tiễn

Theo Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có 2.374 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân; trong đó có 1.392 hợp tác xã nông nghiệp, 312 hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 287 hợp tác xã dịch vụ thương mại, 205 hợp tác xã vận tải, 23 hợp tác xã xây dựng...

Với những chính sách hỗ trợ của trung ương và thành phố, các hợp tác xã liên tục được củng cố, đổi mới và hoạt động ngày càng hiệu quả, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong việc nâng cao thu nhập cho các thành viên, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, do hoạt động của nhiều hợp tác xã còn nhỏ lẻ, lao động phần lớn mang tính thời vụ, nên công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gặp không ít khó khăn.

Trước thực trạng đó, hằng năm, Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức hàng chục lớp huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho hàng nghìn cán bộ, kỹ sư vận hành và người lao động làm việc trong các hợp tác xã. Các hợp tác xã đã được tuyên truyền những kiến thức, quy định pháp luật về việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; tập huấn sơ cấp cứu tại chỗ khi người lao động bị tai nạn lao động...

Đặc biệt, các hợp tác xã đã được tuyên truyền những điểm mới trong Luật An toàn, vệ sinh lao động và các vấn đề cần quan tâm; ảnh hưởng của môi trường và điều kiện lao động đến sức khỏe người lao động, biện pháp phòng ngừa, bảo vệ nguồn nhân lực, văn hóa, an toàn và các nội dung thực hiện văn hóa an toàn tại cơ sở sản xuất... Những nội dung này đều được các chuyên gia, giảng viên cao cấp truyền tải, giới thiệu sinh động đến người lao động, cán bộ hợp tác xã.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Kết quả cho thấy, những chính sách về an toàn, vệ sinh lao động đang đem lại những kết quả tích cực. Giám đốc Hợp tác xã Tựu Liệt (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) Ngô Thị Thiệu chia sẻ: “Khoảng 3 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh Hợp tác xã thành phố, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại các hợp tác xã được cải thiện rõ rệt, đem lại lợi ích cho cả người lao động và các hợp tác xã”.

Còn theo Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) Đào Văn Chương, hợp tác xã có hơn 600 thành viên tham gia theo mô hình kiểu mới, thực hiện các dịch vụ: Thủy lợi, điện nông thôn, bảo vệ sản xuất, khuyến nông, quỹ đất công ích, quản lý chợ... Để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, thời gian qua, hợp tác xã đã phối hợp với Công an huyện Quốc Oai, Liên minh Hợp tác xã thành phố tổ chức các lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, cách sử dụng thuốc trừ sâu, tập huấn an toàn lao động cho các thành viên. Đồng thời, hướng dẫn bà con phòng trừ sâu bệnh kịp thời, tổ chức phát thuốc, đánh bả diệt chuột định kỳ, bảo vệ mùa vụ.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thống Nhất (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) Vũ Xuân Thăng chia sẻ, đối với hợp tác xã, dịch vụ chợ cũng là một trong những hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho các thành viên, phát triển sản xuất, buôn bán và bảo vệ môi trường. Việc bảo đảm an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh luôn được đơn vị quan tâm, trong đó có công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ được đặt lên hàng đầu, nhằm bảo đảm tính mạng cũng như an toàn tài sản cho các tiểu thương. Nhận thức rõ điều đó, các chương trình tập huấn về an toàn lao động dưới nhiều hình thức đã thu hút đông đảo cán bộ, thành viên hợp tác xã tham gia.

Trong khi đó, kỹ sư Trần Trung Dũng, cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ Minh Châu (huyện Ba Vì) thông tin, người lao động, cán bộ hợp tác xã được trang bị bảo hộ đầy đủ, bảo đảm an toàn trong lao động. Quần áo chống giật, hệ thống dây cáp điện, công tơ điện, hệ thống xe nâng… đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt, các quy tắc kỹ thuật đều được dán trên thân các trang thiết bị để hướng dẫn người lao động biết và thực hiện bảo đảm an toàn.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành khẳng định, những kiến thức được tuyên truyền, phổ biến về an toàn lao động trong thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức cho đại diện ban quản trị, ban kiểm soát các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc thực hiện các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động; ngăn ngừa tai nạn lao động trong đơn vị, doanh nghiệp. Việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động có ý nghĩa rất quan trọng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng năng suất lao động cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai các nội dung tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động đến các thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chuyển biến trong công tác an toàn lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.