Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không chỉ là sự xê dịch

Tuấn Kiệt| 31/05/2016 06:04

(HNM) - Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và kéo theo đó là áp lực về giao thông ngày càng tăng. Vì thế, cùng với việc quy hoạch mạng lưới giao thông thì Hà Nội cũng có quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ và bến bãi đỗ xe công cộng, theo xu hướng các bến xe sẽ dịch chuyển ra khu vực vành đai, nhằm giảm ùn tắc nội đô.

Thế nhưng, có một thực tế hiện nay là, bên cạnh những bến xe đang quá tải như Giáp Bát, Mỹ Đình, thì nhiều bến xe từng được di chuyển từ nội đô ra lại đang dư thừa công suất như Nước Ngầm, Yên Nghĩa... Nguyên nhân chính của nghịch lý này là sự bố trí các hướng tuyến chưa hợp lý, đặc biệt là thiếu sự kết nối lô gíc trong tổ chức hệ thống giao thông công cộng (thời điểm hiện tại).

Bến xe Mỹ Đình nằm trong nội đô, gây khó khăn cho giao thông công cộng nhưng lại tiện lợi cho hành khách, nên thường xuyên quá tải. Trong khi Bến xe Yên Nghĩa được xây dựng hiện đại với kỳ vọng trở thành bến xe chính phía tây Thủ đô lại ít được lựa chọn vì từ bến di chuyển vào nội đô khá xa và bất tiện về phương tiện trung chuyển. Về lý thuyết, khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sẽ được kết nối liên hoàn với Bến xe Yên Nghĩa. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là các bến xe đã và sẽ được quy hoạch của Hà Nội thoát cảnh "đơn độc". Ví dụ, trong quy hoạch, Bến xe Phùng sẽ đảm nhận vai trò chủ lực cho một cánh của Thủ đô, tuy nhiên không dễ thuyết phục hành khách lựa chọn bến này bởi lẽ không mấy ai muốn vào nội đô với khoảng cách tới hơn 20 cây số. Chưa kể, bến xe này cũng cách ga đường sắt tuyến Nhổn - Ga Hà Nội tới gần chục cây số. Sau khi xuống chặng cuối hành trình xe khách, người dân đi tiếp vào nội đô bằng phương tiện nào? qua mấy chặng nữa? Sẽ thật khó khuyến khích người dân khi họ vẫn còn phải tự đi tìm câu trả lời cho những bất tiện.

Nói vậy để thấy, việc tổ chức hệ thống bến xe không chỉ là sự xê dịch, mà còn đòi hỏi sự kết nối các hệ thống vận tải hiện đại đang được đầu tư xây dựng như các tuyến đường sắt đô thị, xe buýt nhanh... nhằm tạo ra một hệ thống vận tải liên tục, xuyên suốt, vừa giữ sự hài hòa trong quy hoạch đô thị đồng thời bảo đảm sự tiện lợi nhất cho người dân. Mặt khác việc quy hoạch phải dự báo được áp lực đô thị, hạ tầng giao thông, dân số… khi quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh.

Trước tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt ở các cửa ngõ của Thủ đô dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng vào tính khoa học, tính khả thi của quy hoạch bến xe trên địa bàn. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển đồng bộ của hệ thống bến xe nói riêng, hệ thống vận tải hành khách nói chung.

Thực tế là thói quen của hành khách thường chọn những bến xe thuận lợi về điểm dừng đỗ, tần suất chạy xe, hướng tuyến đa dạng, thuận tiện di chuyển rồi mới đến chất lượng hạ tầng, chất lượng phục vụ… Cho nên, dù thế nào thì nếu muốn giao thông công cộng phát triển, trước hết phải bảo đảm được sự kết hợp giữa các hình thức giao thông, có sự hỗ trợ tương tác lẫn nhau tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi lựa chọn các phương tiện công cộng. Nếu quy hoạch giải quyết tốt bài toán này, mới hy vọng mang lại hiệu quả tốt nhất! Đó chính là mục tiêu và cũng là hành động cần quyết liệt tiến hành để có hiệu quả rõ nét hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không chỉ là sự xê dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.