Phát triển giao thông tĩnh, trong đó có bến, bãi đỗ xe là một trong những yêu cầu quan trọng, đáp ứng nhu cầu xã hội tại các đô thị.
Đáng tiếc là dù luôn được Thành phố quan tâm, quy hoạch và có cơ chế thu hút đầu tư, nhưng việc triển khai các dự án bến, bãi đỗ xe ở Hà Nội nhìn chung khá chậm và gặp không ít vướng mắc. Thực tế này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Áp lực ngày càng đè nặng
Thực tế tại một số bến xe trên địa bàn thành phố ở thời điểm này, dù lượng hành khách qua lại không tấp nập như trước nhưng nhìn chung tình hình an ninh trật tự, chất lượng phục vụ đã có sự thay đổi tích cực so với vài năm trước. Tại Bến xe Giáp Bát, ấn tượng đầu tiên là gần như không còn hiện tượng xe ôm hay người của các nhà xe mời chào, gạ gẫm đi xe. Khu vực bãi xe có thiết kế lối đi có mái che để hành khách ra vào, lên xuống xe thuận tiện, bất kể nắng mưa. Tại Bến xe Gia Lâm, dù lượng khách, phương tiện khá thưa vắng nhưng cơ sở vật chất gọn gàng, sạch sẽ; biển báo, chỉ dẫn thuận lợi cho hành khách.
Nhờ sự kết nối đi lại khá thuận lợi, đặc biệt là với mạng lưới xe buýt, các bến xe khách liên tỉnh vẫn đang là sự lựa chọn của nhiều người dân. Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, đơn vị đang trực tiếp quản lý, vận hành hoạt động 3 bến xe quan trọng ở thành phố, gồm: Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm. Để bảo đảm an toàn, chất lượng dịch vụ, các bến xe không ngừng nỗ lực nâng cao cơ sở vật chất giúp hành khách đi lại thuận lợi, an toàn. Toàn bộ xe ra vào các bến đã được kiểm soát tự động nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số. Thế nhưng, áp lực với các bến xe cũng tăng cùng với sự phát triển của xã hội. Theo ông Hùng, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể thói quen đi lại của hành khách, lượng khách qua các bến xe giảm đáng kể nhưng chất lượng phục vụ tại các bến xe không những không giảm mà còn tăng lên để thu hút các nhà xe, hành khách tới bến. Tuy nhiên, Công ty cũng không thể đầu tư mạnh, đặc biệt là các khu vực nhà chờ phục vụ hành khách tại các bến, bởi không biết khi nào sẽ phải di chuyển theo quy hoạch. Được biết, lượng khách giảm một phần do phương tiện cá nhân ngày càng tăng, một phần do các nhà xe chạy tuyến cố định trá hình thông qua hình thức xe limusine đón trả khách tại nhà. Chính sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này đã phần nào ảnh hưởng tới các nhà xe chạy tuyến cố định luôn chấp hành nghiêm các quy định về luồng tuyến, ra vào bến đón trả khách.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng phải đạt từ 20% - 26% đối với đô thị trung tâm, diện tích cho giao thông tĩnh phải đạt 3 - 4%. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích đất dành cho giao thông mới đạt 12,13%, đáng nói diện tích dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1%. Kết quả giám sát của Ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội) về việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe nổi theo quy hoạch; công tác quản lý, khai thác kinh doanh trông giữ phương tiện tại lòng đường, hè phố; việc đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn mới đây khẳng định, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu, số còn lại đỗ tại các khoảng đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, khu vực công cộng...
Có một thực tế là tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông tĩnh, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện cá nhân. Đây thực sự là bài toán khó giải. Tình trạng phương tiện dừng, đỗ trái quy định diễn ra khá phổ biến; lòng đường, hè phố nhiều nơi bị chiếm dụng để trông giữ xe, gây mất trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Đáng nói, việc trông giữ xe không phép, sai phép dưới lòng đường, hè phố diễn biến phức tạp, biến tướng dưới nhiều hình thức... Giai đoạn 2020 - 2024, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt 2.568 trường hợp, phạt tiền hơn 12,24 tỷ đồng, trong đó có 788 trường hợp chiếm dụng trái phép lòng đường để trông giữ phương tiện; 950 trường hợp chiếm dụng trái phép hè phố để trông giữ phương tiện; 829 trường hợp tổ chức hoạt động khai thác bãi đỗ xe khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Quy hoạch phát triển phải phù hợp với đòi hỏi từ thực tiễn
Theo quy hoạch, trước mắt, các bến xe hiện có được giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có. Về hiện trạng đầu tư bến xe, theo Sở Giao thông - Vận tải, hiện có 5/12 bến xe khách liên tỉnh đang được khai thác, sử dụng; 3/12 bến đã có dự án đầu tư, chủ trương đầu tư; 3/12 bến đang triển khai các thủ tục để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Theo Ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội), việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch hiện còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu kế hoạch. Nhiều tổ chức, cá nhân được cấp phép trông giữ xe vẫn quản lý theo hình thức thủ công, thiếu trang thiết bị và chưa đồng bộ nên khó kiểm soát. Thế nhưng, nhiều dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc giao nhà đầu tư nhưng chưa triển khai và xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Một số vị trí, địa điểm kêu gọi đầu tư dự án bãi đỗ xe công cộng chưa thực sự thu hút nhà đầu tư, dù hằng năm, UBND thành phố đã triển khai các hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng bến, bãi đỗ xe. Nguyên nhân là do vị trí, địa điểm kêu gọi đầu tư dự án chưa thực sự có sức hút nên kết quả còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà là kinh phí đầu tư ban đầu cho các dự án bến bãi khá lớn, thời gian thu hồi vốn và khả năng thu hồi vốn khó khả thi. Các cơ quan chuyên môn chưa chủ động đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác dự báo, đánh giá tình hình cũng chưa theo kịp với thực tiễn phát triển.
Quy hoạch, phát triển các bến, bãi đỗ xe nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, từng bước phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại là cần thiết, song cần được nghiên cứu cẩn trọng. Việc quy hoạch, xây dựng Bến xe miền Đông mới (tại thành phố Thủ Đức - thành phố Hồ Chí Minh) và bến xe Đức Long (thành phố Đà Nẵng) thực sự là bài học đáng để xem xét, rút kinh nghiệm. Cụ thể, Bến xe Miền Đông mới - có diện tích 16ha nằm trên đường Hoàng Hữu Nam (thành phố Thủ Đức), cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh gần 20km, có quy mô lớn nhất cả nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư giai đoạn 1 khoảng 740 tỷ đồng - đã được đưa vào khai thác từ tháng 10-2020, nhưng đến nay lượng khách và phương tiện ra vào khá đìu hiu. Theo các chuyên gia giao thông, việc chuyển bến xe ra khỏi nội đô, góp phần giảm ùn tắc là cần thiết, nhưng khi tiến hành thực hiện cần nghiên cứu kỹ, đặc biệt là trong việc tính toán kết nối giao thông thuận lợi, phù hợp với thực tiễn, nhu cầu xã hội thì mới có tính khả thi và phát huy hiệu quả. Tương tự là bến xe Đức Long (thành phố Đà Nẵng). Được đầu tư khoảng 150 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2012, nhưng bến xe này (cách trung tâm thành phố khoảng 13km) thường xuyên “vắng như chùa Bà Đanh”. Việc tránh đi vào “vết xe đổ” là rất cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Thành phố Hà Nội đang trên đà phát triển đô thị mạnh mẽ, trong đó vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã và đang trở thành hình mẫu cho cả nước. Để có được thành công đó đòi hỏi một quá trình nỗ lực, phấn đấu rất lớn trong việc xây dựng, phát triển luồng tuyến kết nối phù hợp (trong đó có các bến xe) với nhu cầu đi lại của người dân. Mới đây, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đã được đưa vào vận hành đoạn trên cao, trở thành tuyến đường sắt đô thị thứ 2 ở Hà Nội và cả nước đã đi vào vận hành. Với sự tham gia của loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn này, việc tính toán, quy hoạch, phát triển các bến, bãi đỗ xe càng phải được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính kết nối để phát huy tối đa hiệu quả phục vụ xã hội.
Được biết, Ban Đô thị (HĐND thành phố Hà Nội) đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đưa ra khỏi quy hoạch các vị trí khó khả thi về tổ chức thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế phù hợp để khuyến khích, tạo điều kiện triển khai các dự án theo quy hoạch, trong đó nghiên cứu các cơ chế có tính khả thi, phù hợp với quy định... Đó là những điều chỉnh cần thiết để phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.