Với sự chuẩn bị công phu, bài bản và khoa học, chiều qua (10-11), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được trình tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV để các đại biểu thảo luận tại tổ, cho ý kiến lần đầu tiên trước khi xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy tới. Đây là dự thảo luật nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ với các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học mà với các tầng lớp nhân dân Thủ đô và cả nước.
Sau 10 năm triển khai thi hành (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) - với việc thực thi những cơ chế đặc thù - Luật Thủ đô năm 2012 đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác xây dựng, phát triển, quản lý của Hà Nội; đồng thời mang lại những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Với những đặc thù được quy định, Luật Thủ đô năm 2012 đã giúp thành phố thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý cho việc xây dựng, quản lý quy hoạch, trật tự đô thị...
Cùng với đó, việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục toàn diện. Thành phố đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng có về phúc lợi xã hội; ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội… qua đó góp phần quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, nhiều quy định của Luật Thủ đô năm 2012 vẫn còn mang tính định khung, khó áp dụng, không phù hợp với thực tiễn phát triển của một “siêu đô thị” như Hà Nội. Một điều khiến các chuyên gia xây dựng pháp luật quan tâm là sau khi Luật Thủ đô năm 2012 có hiệu lực thì cũng có nhiều luật khác được ban hành với những quy định chồng chéo, cản trở sự phát triển của Thủ đô đang vươn tầm hội nhập quốc tế với vị thế quan trọng.
Trong bối cảnh những yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, việc sửa đổi Luật Thủ đô càng có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa các nội dung mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra. Trên tinh thần đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay.
Để chuẩn bị cho dự thảo Luật quan trọng này, Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo đã cho đăng tải hồ sơ dự án trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, nhân dân. Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học các cấp để lấy ý kiến đóng góp của lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, cử tri vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Bộ đã có công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô. Với tinh thần trách nhiệm cao, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 180/KH-UBND tổ chức lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu chung quan điểm rằng: Thủ đô chỉ có một và Hà Nội không giống bất cứ một địa phương nào. Việc sửa đổi Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Hà Nội. Với quan điểm thống nhất đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá…
Như khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây: “Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô mà còn là trách nhiệm của cả nước. Vì vậy, các quy định trong Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội”.
Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được thảo luận ở tổ chiều 10-11 sẽ tiếp tục được thảo luận rộng rãi ở hội trường ngày 27-11 để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Với sự góp ý tâm huyết của các đại biểu Quốc hội sẽ giúp cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) một cách hoàn chỉnh nhất để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ bảy.
Và điều quan trọng hơn là sau khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Qua đó, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.