Chính trị

Sửa Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Hà Nội!

Bảo Hân - Mai Hữu (thực hiện) 09/11/2023 15:00

Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ sáu, ngày mai (10-11), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được trình Quốc hội. Bên hành lang kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí cao việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật có ý nghĩa đặc biệt này.

7f70b21799094f571618.jpg
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang).

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang):
Cần những chính sách vượt trội cho Thủ đô

Sự phát triển của Thủ đô luôn là niềm tự hào của mọi địa phương trong cả nước. Thủ đô của Việt Nam đứng sánh vai cùng với thủ đô các nước thì Việt Nam cũng sánh vai cùng với các nước. Nên việc hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ có ý nghĩa cho sự phát triển của Thủ đô mà sẽ lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước.

Tôi mong muốn sửa đổi Luật Thủ đô cũng là dịp để đánh giá căn cơ, toàn diện quá trình hơn 10 năm thực hiện, chỉ rõ những hạn chế và đề ra các giải pháp khắc phục đầy đủ, toàn diện và đặc biệt là phải hiệu quả và khả thi.

Tôi nhấn mạnh lại, Thủ đô cả nước chỉ có một và Hà Nội không thể giống bất cứ một địa phương nào. Do đó, việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn sự phát triển của Thủ đô sẽ tạo ra động lực lan tỏa cho khu vực và cho cả nước. Muốn vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Thủ đô mà phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước.

Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong dự thảo Luật. Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông, để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp. Chẳng hạn như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô.

2a36dd631b7ccd22946d.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp):
Cần những chính sách đãi ngộ nhân tài vượt trội

Thủ đô Hà Nội chỉ có một. Trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng chỉ có duy nhất Hà Nội có Luật Thủ đô. Luật Thủ đô được ban hành năm 2012 đã tạo bước đột phá để Thủ đô Hà Nội tiến lên một bước mới. Đặc biệt, vị thế, tầm vóc của Thủ đô càng được nâng cao sau mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào cuộc sống, việc thực thi Luật Thủ đô 2012 đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi Luật phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cơ chế thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Việc thu hút và “giữ chân” nhân tài cần hướng đến không chỉ người ở trong nước mà còn cả người ở nước ngoài, không chỉ những người gốc Hà Nội mà còn từ các tỉnh, thành phố và kiều bào muốn đến Hà Nội sinh sống và làm việc.

Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương đối cho mọi đối tượng, để tất cả đến với Hà Nội đều cảm nhận được một chính quyền đô thị nhân văn, có tinh thần cầu thị, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần không chỉ cho họ mà còn cho gia đình họ.

Tôi tin rằng, thành phố sẽ có những chế độ đãi ngộ rõ ràng, cụ thể để phù hợp với thực tiễn và quỹ ngân sách của mình. Quan trọng, cốt lõi nhất là những chính sách này phải mang tính đãi ngộ vượt trội, hơn hẳn những nơi khác để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển.

6d4e309ff58023de7a91-1-(1).jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh):
Cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô

Việc trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp có ý nghĩa rất quan trọng, bởi Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt. Hai đô thị này đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của của cả nước. Quan trọng hơn, Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu và hội nhập quốc tế, nhất là Thủ đô Hà Nội. Hà Nội luôn trong niềm tin yêu, kỳ vọng của nhân dân cả nước về một Thủ đô đi đầu. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức vận hành thời gian qua đã gặp nhiều vướng mắc về thể chế. Do đó, cần phải tiếp tục phân cấp và phân cấp mạnh mẽ hơn cho Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, qua quá trình triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy có nhiều nội dung mà một đô thị đặc biệt cần phải được áp dụng. Đặc biệt, những nội dung này đã được cập nhật vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như vấn đề về TOD, phát triển đô thị gắn với giao thông hay phân cấp trong điều chỉnh quy hoạch, tổ chức bộ máy… Do đó, tôi tin chắc dự thảo Luật được đưa ra trình tại kỳ họp này sẽ được các đại biểu ủng hộ, tán thành.

db-hoang-van-cuong.jpeg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội):
Thủ đô Hà Nội phải được phát triển ở mức cao hơn

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, mà Thủ đô phải là nơi hội tụ của cả quốc gia, là hình ảnh đại diện, là hình mẫu quốc gia. Như vậy, Thủ đô không thể như một địa phương, một tỉnh hay một thành phố. Vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý, đầu tư khác biệt so với các địa phương khác.

Chúng ta đã có Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế cho thấy pháp luật về Thủ đô thời gian qua vẫn chưa đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước.

Từ đó, tôi cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải đặt ra một cơ chế thực sự đặc thù, tạo ra được khuôn khổ pháp lý mang tính bao trùm so với các luật hiện hành khi áp dụng riêng cho Thủ đô. Tinh thần bao trùm đòi hỏi Thủ đô phải được phát triển ở mức cao hơn, tiêu chuẩn phát triển cao so với các thành phố khác.

Đồng thời cũng phải có cơ chế để đầu tư, ưu đãi nhiều hơn. Đặc biệt, phải có một cơ chế để khai thác những tiềm năng vốn có của Thủ đô để vừa tạo ra nguồn lực phát triển, vừa thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. Nếu đạt được các yêu cầu như vậy, chắc chắn Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là một công cụ pháp lý để tạo hành lang phát triển, đồng thời cũng tạo ra một công cụ để thu hút các nguồn lực kinh tế.

ta-van-ha.jpeg
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam).

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam):
Cần có các quy định phù hợp với thực tiễn

Tôi cho rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô vì một số lý do. Thứ nhất, Luật Thủ đô ban hành năm 2012, trong khi đó, năm 2013, chúng ta thông qua Hiến pháp. Do vậy, rất cần sửa đổi Luật Thủ đô để phù hợp và cập nhật những điểm mới của Hiến pháp 2013.

Thứ hai, thời gian qua, Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội đã có một số nghị quyết ban hành cơ chế đặc biệt, đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Vì vậy, cần thể chế hóa, luật hóa các nội dung này....

Cần tạo cho thành phố Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Chỉ khi đó, Hà Nội mới có thể phát triển xứng tầm với vị thế là trái tim của cả nước, đúng với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

nguyen-anh-tri(1).jpeg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội):
Cần những trung tâm y tế tầm cỡ quốc tế tại Thủ đô

Thủ đô là nơi tập trung rất nhiều bệnh viện, không chỉ cấp thành phố mà còn là cấp quốc gia. Các bệnh viện trung ương nổi tiếng đều có mặt ở Hà Nội. Cũng cần xác định y tế Thủ đô, không chỉ phục vụ cho người dân Thủ đô mà phục vụ cho cả nước, chữa các bệnh khó nhất.

Do đó, về mặt tổ chức, tôi kiến nghị cần có những trung tâm y tế lớn, tầm cỡ quốc tế đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đó là một tổ hợp gồm nhiều bệnh viện, nhiều viện chuyên khoa đầu ngành về tim mạch, da liễu, huyết học, cơ xương khớp… Đồng thời, cần thiết lập một mạng lưới các trạm y tế, các phòng khám, các bệnh viện nhỏ ở khắp nơi, lan tỏa vào tất cả các khu, các đường phố để người dân gặp phải bất kỳ tình huống nào, từ việc bị bỏng nước sôi, bị chó cắn hoặc một cháu bé bị sốt thì chỉ cần đi trong vòng 15 phút là tiếp cận được.

Dự thảo Luật hướng tới việc xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình, bác sĩ gia đình là hết sức cần thiết. Các bác sĩ gia đình sẽ phụ trách hồ sơ sức khỏe của từng gia đình, họ sẽ nắm được tình hình sức khỏe của từng gia đình, từ lúc một bé vừa mới chào đời cho đến khi thành người trưởng thành, người trung niên… Đối với bác sĩ gia đình thì phải sử dụng tận dụng tối đa việc khám, chữa bệnh từ xa.

Tôi cũng tán thành với nội dung dự thảo Luật giao HĐND thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quyết định việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho thành phố, phù hợp với các quy định của Luật Khám, chữa bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sửa Luật Thủ đô không phải chỉ cho riêng Hà Nội!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.