Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không bất chấp tất cả vì lợi ích kinh tế!

Thế Phương| 26/11/2015 06:30

(HNM) - Bộ luật Hàng hải Việt Nam được Quốc hội thông qua chiều 25-11 đã lược bỏ các quy định về nhập khẩu tàu biển từ nước ngoài để phá dỡ. Đây là kết quả tiếp thu ý kiến về việc nhập tàu biển nước ngoài để phá dỡ phải thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan. Thế nhưng xoay quanh câu chuyện kinh doanh


Chuyện phá dỡ những con tàu cũ không đơn giản là lấy đồ cũ, sắt thép phế thải để tận dụng… mà vấn đề là phải xử lý các chất thải độc hại trên tàu. Việc này, theo giới chuyên gia, tốn kém không ít và nếu xử lý một cách bài bản thì sẽ không có lãi. Thế nhưng với doanh nghiệp Việt Nam, việc phá dỡ tàu cũ vẫn mang lại lợi nhuận cao vì không phải đầu tư quá nhiều cho việc xử lý… Nói cách khác là bất chấp những vấn đề môi trường để đổi lấy lợi nhuận. Có ý kiến cho rằng: Chỉ phải bỏ đi 3-4% của con tàu nhập về, số còn lại hoàn toàn có thể tận dụng. Có người dẫn chứng việc Việt Nam nhập cả trăm con tàu cũ trong một năm, thu về hơn hai vạn tấn thép mà nước nhà chưa thể luyện được… Còn về vấn đề môi trường, theo họ, miễn sao xử lý một cách bài bản, ổn thỏa…

Cách lập luận nêu trên không phải không có lý, nhưng hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế với các cuộc cạnh tranh khốc liệt, nếu chuyện phá dỡ tàu cũ là một ngành kinh doanh thật sự mang lại nhiều lợi nhuận, liệu các công ty giàu tiềm lực trên thế giới có "dành" cho doanh nghiệp Việt Nam? Phải chăng những quốc gia có nền công nghiệp tàu thủy phát triển đã hướng tới công nghiệp xanh nên "nhường" những việc có tác động xấu đến môi trường cho doanh nghiệp của những quốc gia kém phát triển hơn?

Theo giới chuyên gia, hoạt động phá dỡ tàu cũ phát sinh nhiều hóa chất độc hại, chất thải nguy hiểm như dầu mỡ, kim loại nặng (thủy ngân, chì, đồng, kẽm, nhôm, sắt…); các chất nguy hại khác như hợp chất nhóm xyanua hữu cơ, vi khuẩn, sinh vật ngoại lai… Đó là chưa kể chất phóng xạ, chất thải từ hàng hóa nguy hiểm… Cách thức xử lý thường thấy là lưu trữ trong kho kéo theo không ít vấn đề, những lo ngại về việc chất thải độc hại không được xử lý hoặc xử lý theo kiểu đối phó với cơ quan hữu trách không phải không có cơ sở… Và từ những vấn đề nêu trên có thể thấy hoạt động phá dỡ tàu cũ có thể đem lại lợi ích kinh tế cho một nhóm người nhưng đã và sẽ gây tổn hại cho môi trường sống của cả cộng đồng. Do vậy, cấm triệt để việc phá dỡ tàu cũ là hết sức cần thiết.

Số tiền "đồng nát" thu được từ việc nhập khẩu tàu cũ có thể định lượng nhưng không thể định lượng chi phí mà nhiều thế hệ người Việt phải bỏ ra cho môi trường. Nguy cơ, hệ lụy từ việc nhập khẩu công nghệ cũ, đồ "đồng nát" đã được cảnh báo từ nhiều năm trước và cho đến hôm nay vẫn là vấn đề "nóng". Do vậy, việc lược bỏ các quy định về nhập khẩu tàu biển từ nước ngoài để phá dỡ có thể xem là một động thái tích cực nhằm giải quyết các vấn đề môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững. Đã đến lúc không thể tính toán lợi ích kinh tế bằng mọi giá và vì cái lợi trước mắt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không bất chấp tất cả vì lợi ích kinh tế!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.