Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi sắc ngay từ đầu năm

Minh Ngọc| 04/03/2018 08:19

(HNM) - Năm 2018, không ít đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, nên cần tuyển thêm nhiều lao động.


Lao động phổ thông dễ tìm việc làm


Thị trường lao động, việc làm thường diễn ra sôi động vào quý I hằng năm. Dịp này, những công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ, siêu thị, cửa hàng ăn uống, bán lẻ... tuyển nhiều lao động thời vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng trong dịp cận Tết Nguyên đán. Sau Tết, không ít doanh nghiệp phải tuyển gấp công nhân cho những vị trí công việc bị bỏ trống do người lao động không trở lại làm việc.

Thị trường lao động sôi động trong những ngày đầu năm 2018.


Thống kê cho thấy, sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, lực lượng lao động trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt tỷ lệ xấp xỉ 100%, cao hơn nhiều so với những năm trước. Tuy vậy, số lao động hiện có vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp, khiến nhiều đơn vị phải đăng tuyển gấp lao động.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Linh kiện điện tử Sei Việt Nam tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long thông báo tuyển 2.000 công nhân với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Cũng ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội đang tuyển 500 công nhân nữ từ 18 tuổi trở lên; Công ty TNHH Meiko Thăng Long, Canon Việt Nam, Shova Việt Nam… cần tuyển hàng trăm lao động.

Ngoài hình thức tuyển dụng trực tiếp, các doanh nghiệp đang ráo riết tìm lao động qua nhiều kênh khác nhau. Trên trang web vieclamhanoi.net của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và vieclamvietnam.gov.vn của Bộ LĐ-TB&XH, hơn 1.000 doanh nghiệp thường xuyên đăng thông tin tuyển gấp lao động làm việc ở Hà Nội. Tại những phiên giao dịch việc làm đầu xuân do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức, các doanh nghiệp đến tuyển người rất đông, nhưng chưa có đơn vị nào tuyển đủ lao động theo yêu cầu.

Tham gia phiên giao dịch ngày 27-2, chị Nguyễn Thúy Hà, phụ trách công tác nhân sự của siêu thị Big C Thăng Long cho biết: “Do mở rộng kinh doanh, hệ thống siêu thị Big C trên địa bàn Hà Nội đang thiếu gần 100 nhân viên thu ngân, bán hàng, giao hàng,… làm việc theo ca. Dù đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ thỏa đáng để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài, chúng tôi vẫn chưa tuyển được đủ lao động”.

Tương tự, Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ tổng hợp VINCOM, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội, Công ty cổ phần Minh Việt Toàn Cầu, Tập đoàn khách sạn A25… cũng cho biết khó tìm lao động cho nhiều vị trí việc làm mới hình thành.

Theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Thị trường lao động, việc làm Hà Nội đang phát triển theo hướng bền vững với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,66%. Đa số lao động qua đào tạo đã có việc làm ổn định.

Xây dựng mô hình kết nối cung - cầu hiệu quả

Tín hiệu khởi sắc của thị trường lao động, việc làm Hà Nội ngay từ những tháng đầu năm phần nào cho thấy, chủ trương đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và quy luật phát triển của thị trường là đúng đắn. Hà Nội phấn đấu trong năm 2018 giải quyết việc làm mới cho 152.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 4%, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 63,5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui đầu năm, thị trường lao động, việc làm Hà Nội vẫn tồn tại không ít vấn đề bất cập. Trong khi các doanh nghiệp sốt sắng tìm kiếm lao động phổ thông, lao động làm việc bán thời gian thì đâu đó vẫn có những người trong độ tuổi lao động không làm việc, dôi dư nhiều thời gian. Đáng nói hơn, tỷ lệ lao động thất nghiệp có dấu hiệu tăng.

“Chỉ tính riêng năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã đón tiếp hơn 48.000 người đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn số người đến trung tâm tìm cơ hội việc làm. Sau khi mất việc làm, nhiều lao động chuyển sang làm nghề khác hoặc không trở lại thị trường lao động, gây lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm, tay nghề”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phản ánh.

Nhằm kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn nữa, ngoài các phiên giao dịch việc làm định kỳ, trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, online, chuyên đề dành riêng cho các ngành tuyển nhiều lao động; ứng dụng công nghệ hiện đại để thu nhận, phân tích, trao đổi thông tin về thị trường lao động. Đối với lực lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm sẽ tư vấn, định hướng nghề nghiệp chuyên sâu, có giải pháp kết nối họ với doanh nghiệp cần tuyển lao động.

Đồng tình với các giải pháp nêu trên, ông Vũ Hoàng Long, Giám đốc Công ty Bất động sản NAMILAND mong muốn, TP Hà Nội nghiên cứu xây dựng đội ngũ tư vấn việc làm chuyên sâu, phân tích, dự báo thị trường chuyên nghiệp. Kết quả nghiên cứu đó là căn cứ khoa học để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng lao động; còn người lao động có thể tự trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc mà mình yêu thích.

Trên đà khởi sắc của thị trường lao động, việc làm, hy vọng các cơ quan chức năng sớm thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu lao động hiệu quả, góp phần đưa kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc ngay từ đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.