Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào sân chơi lớn

Ngũ Hiệp| 27/11/2018 07:21

(HNM) - Ngày hội khởi nghiệp Techfest năm 2018 diễn ra tại Đà Nẵng, ghi nhận sự chú ý đặc biệt của các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Sông Hàn, Trưởng làng Công nghệ du lịch tham dự Techfest 2018, khi trao đổi về tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã nhấn mạnh, một ý tưởng tốt kết hợp với sức mạnh của công nghệ sẽ cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ tốt, lúc đó startup có thể đi vào một sân chơi lớn.

Giải pháp du lịch thông minh VNPT-Smart Tourism hỗ trợ khách hàng tìm kiếm thông tin.


- Ông có thể cho biết một số nét đáng chú ý về các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch tham dự Techfest năm nay?


- Hầu hết dự án tham dự đều có yếu tố sáng tạo và tiềm năng công nghệ. Có 3 startup tiêu biểu đã được chọn tham dự vòng bán kết Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo công nghệ 4.0. Đó là Tago với giải pháp đặt kỳ nghỉ trọn gói cao cấp; Tubudd là nền tảng công nghệ để kết nối khách du lịch với người bản địa nhằm thay đổi thói quen và trải nghiệm tại mỗi điểm đến; BedLinker phát triển giải pháp phân phối B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) tích hợp cho các khách sạn và khu nghỉ dưỡng, giúp cải thiện hiệu quả phân phối, thúc đẩy việc đặt chỗ trực tiếp từ khách hàng. Bên cạnh các dự án lần đầu tham dự cuộc thi, còn có những dự án mà nhóm điều hành có nhiều kinh nghiệm, hiểu được khách hàng, hiểu được thị trường. Họ nhân bản mô hình kinh doanh sẵn có, đồng thời đưa ra giải pháp trọn gói cao cấp, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Những tiềm năng lớn như vậy, nếu được hệ sinh thái tiếp tục hỗ trợ thì sẽ trở thành những dự án hàng đầu cho khởi nghiệp du lịch.

- Những tiềm năng đó, như ông vừa trao đổi, nếu tận dụng được công nghệ để phát triển thì có thể góp phần giải quyết được những mặt hạn chế nào của du lịch Việt Nam?

- Nhiều dự án hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, giải quyết những hạn chế của du lịch Việt Nam trong việc kết nối các nguồn lực cộng đồng địa phương, người lao động, nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính quyền. Một số dự án hướng tới sự kết hợp du lịch với các sản phẩm địa phương mang tính chuẩn hóa và thương mại hóa quốc tế. Đặc biệt, có dự án ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo gia cường AVR phục vụ truyền thông, quảng bá cho doanh nghiệp, chủ đầu tư ở tất cả lĩnh vực, nhằm đưa tới người dùng những thông tin, hình ảnh chân thực, chính xác kèm trải nghiệm mới lạ. Nhằm vào thị trường du lịch và bất động sản, đây là phương pháp trải nghiệm mới có sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ.

- Ông có thể cho biết đâu là lợi thế mà doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam không nên bỏ lỡ?


- Chúng ta thấy có nhiều “ông lớn” như Booking.com, Agoda.com… Số này chiếm thị trường lớn nhưng hầu hết đều tập trung vào mặt công nghệ để khống chế thị trường trong lĩnh vực khách sạn… Khởi nghiệp ngày nay không chỉ là công nghệ đơn thuần, mà cần dựa vào đổi mới sáng tạo, tức là dùng trí tuệ để khai thác nguồn tài nguyên du lịch to lớn của Việt Nam. Đó là những yếu tố liên quan tới văn hóa, con người, lịch sử, thiên nhiên… Nếu các startup biết tận dụng lợi thế sẵn có, sử dụng công nghệ để chuyển hóa giá trị thì lợi ích và lợi nhuận thu được là vô cùng to lớn. Điều này cần sự hỗ trợ đắc lực của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Bên cạnh những thế mạnh sẵn có thì doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Một số startup đã có kinh nghiệm, tuy nhiên một số người làm dự án còn chưa có tư duy sáng rõ về đổi mới sáng tạo, chưa được tư vấn để xác lập mô hình hoàn thiện hơn. Có dự án rất hay, đưa ra ý tưởng dùng công nghệ kết hợp nghệ thuật nhưng lại không đưa ra được mô hình rõ nét hay lộ trình phát triển và phân khúc thị trường… Như vậy, họ khó có thể làm cho nhà đầu tư thấy được lợi ích khi đầu tư. Ngoài nỗ lực học hỏi không ngừng, những dự án như vậy cần được chuyên gia tốt tư vấn. Khởi nghiệp không chỉ cần kinh nghiệm chuyên môn truyền thống hay đơn giản là sử dụng công nghệ, mà cần sự đột phá về tư duy.

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận vấn đề nguồn lực của khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch ban đầu còn khá hạn chế, liên quan đến việc gọi vốn đầu tư, chuyên gia hỗ trợ, tiếp cận thị trường…

- Vậy Techfest đã tạo ra cơ hội gì để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp?

- Với việc tham gia các cuộc thi được tổ chức trong khuôn khổ Techfest, các startup không những được hỗ trợ về truyền thông thương hiệu, phát triển thị trường, giá trị gia tăng… mà còn có cơ hội gọi vốn dễ dàng hơn. Techfest 2018 cũng là dịp để các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp gỡ hơn 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước, có cơ hội tiếp cận và chọn lựa nhà đầu tư phù hợp với các dự án của mình. Một ý tưởng tốt, kết hợp với sức mạnh của công nghệ sẽ cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ tốt, lúc đó startup có thể đi vào sân chơi lớn. Techfest 2018 đem đến cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo một sân chơi như vậy. Đồng hành với startup trong sân chơi ấy là cả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào sân chơi lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.