Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi mạch nguồn yêu nước

Hiền Chi| 10/06/2018 07:06

Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập, để phong trào thi đua phát triển sâu rộng, khơi nguồn sức mạnh nội lực, TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua, khen thưởng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh tại lễ tuyên dương gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu và gương thanh niên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu năm 2017. Ảnh: Bá Hoạt


Bài đầu: Những mô hình mới, cách làm hay

70 năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn tích cực sáng tạo và là nơi khởi phát nhiều phong trào thi đua yêu nước có ý nghĩa, được nhân rộng cả nước. Nhờ đó, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã xuất hiện, góp phần khơi nguồn sức mạnh ở các cấp, ngành, đơn vị và từng người dân.

Nâng cả chất và lượng

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Hà Nội, với lòng yêu nước nồng nàn đã khởi xướng nhiều phong trào, mô hình thi đua, tạo sức mạnh nội sinh, để giành thắng lợi trong kháng chiến. Trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô hiện nay, với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, TP Hà Nội tập trung đổi mới, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua theo chuyên đề; xây dựng các mô hình thi đua lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố. Nhiều phong trào, mô hình thi đua thiết thực, phát huy hiệu quả như: “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, “Xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp”... Qua đó, diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Có thể thấy, các phong trào thi đua của TP Hà Nội ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất. Đó là kết quả của việc thành phố luôn quan tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tính từ năm 1990 đến nay, thành phố đã ban hành mới và sửa đổi, bổ sung 32 văn bản quy phạm pháp luật cùng nhiều văn bản chỉ đạo về thi đua, khen thưởng. Trong đó có sự đổi mới mang dấu ấn đặc thù riêng của Thủ đô Hà Nội. Đó là các quy chế xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng “Người tốt, việc tốt”, “Công dân Thủ đô ưu tú”, “Công dân danh dự Thủ đô”, “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”…

Điển hình là năm 2015, thành phố đã phát động cuộc thi “Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt”. đầu năm 2018, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND ngày 16-1-2018 về việc ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn TP Hà Nội. Điểm đáng chú ý trong quyết định này là có tiêu chí cụ thể; quy trình, thủ tục xét khen thưởng người tốt, việc tốt rút ngắn; không trùng lắp giữa bình xét người tốt, việc tốt với bình xét thành tích thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng, sự đổi mới trong công tác thi đua, khen thưởng được điều chỉnh trong từng giai đoạn, đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Số cá nhân được biểu dương, khen thưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, trong đó tỷ lệ người lao động trực tiếp chiếm tới 90% tổng số cá nhân được khen thưởng.

Tạo động lực to lớn

Có thể thấy, việc tổ chức tốt các phong trào thi đua cũng như làm tốt công tác khen thưởng của TP Hà Nội đã tạo ra động lực to lớn, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của các ngành, các cấp và của toàn thành phố.

Qua 28 năm liên tục thực hiện phong trào “Thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy”, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Đoàn Thăng cho biết: “Từ chỗ đứng bên "bờ vực" phá sản, nhờ khơi dậy được nguồn sức mạnh thi đua yêu nước trong mỗi cá nhân, mỗi tập thể mà Rạng Đông đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Đến nay, Công ty Rạng Đông được tổ chức Forbes Việt Nam xếp trong top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán; là một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam”.

Trên thực tế, các phong trào thi đua đều được các đơn vị, địa phương gắn với những chủ trương lớn, nhiệm vụ trọng tâm, từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới hiệu quả, thiết thực như: “Một cửa điện tử” (quận Long Biên), “Chính quyền công sở thân thiện và trách nhiệm” (quận Nam Từ Liêm), “Xây dựng tuyến phố Bà Triệu văn minh đô thị - thương mại kiểu mẫu” (quận Hai Bà Trưng); “Làm sạch môi trường sông Tô Lịch (huyện Thanh Trì)... Ở khu vực nông thôn, các phong trào thi đua cũng sôi nổi với “Hiến đất làm đường”, “Xã hội hóa đèn chiếu sáng đường giao thông nông thôn”…, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới.

Nhìn lại thời gian qua, lĩnh vực kinh tế của Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc. Nếu như giai đoạn 5 năm đầu đổi mới (1986-1990) tăng trưởng GDP ở mức 4,48% thì giai đoạn (2009-2015) đã tăng lên mức 9,3%. Đặc biệt, Hà Nội ở giai đoạn 10 năm mở rộng địa giới hành chính đã có những đột phá mới. Thu ngân sách trên địa bàn liên tục đạt và vượt dự toán, bình quân hằng năm tăng trung bình 12,42%. Đáng chú ý, môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012, năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố - cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Hà Nội cũng xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông…

Đánh giá về những thành tựu nổi bật trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Đó là kết quả của việc xác định đúng đắn mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn, từ đó đề ra nội dung, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, bảo đảm huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khích lệ được tinh thần tự giác tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân”.

Với những kết quả, thành tích xuất sắc đạt được qua các phong trào thi đua yêu nước, Thủ đô Hà Nội vinh dự được Đảng và Nhà nước 3 lần tặng thưởng Huân chương Sao vàng, 2 lần được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; được phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”; là thành phố đầu tiên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vinh dự nhận giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình” của tổ chức UNESCO.


(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi mạch nguồn yêu nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.