Xã hội

76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024): Sáng tạo, đổi mới phong trào thi đua ở Thủ đô

Phong Thu 11/06/2024 06:30

Qua 76 năm thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, thành phố Hà Nội đã sáng tạo, đổi mới các phong trào thi đua. Khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp từ thành phố đến cơ sở đã góp phần để Hà Nội đạt được những kết quả quan trọng trong từng giai đoạn phát triển của Thủ đô.

Duy trì hiệu quả phong trào “Người tốt, việc tốt”

Ngày 11-6-1948, tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Thực hiện Lời kêu gọi của Người, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Thủ đô Hà Nội đã cùng cả nước hưởng ứng và khởi xướng nhiều phong trào thi đua.

Đặc biệt, từ năm 1992, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Đến nay, phong trào này không những được duy trì mà ngày càng được đổi mới, thiết thực, hiệu quả, khẳng định nếp sống văn hóa, bản sắc riêng của Thủ đô. Nhiều người tốt, việc tốt được phát hiện, tôn vinh lối sống đẹp, đặc biệt là phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng của các cấp, ngành và nhân dân.

Một yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào “Người tốt, việc tốt” ngày càng phát triển là thành phố đã triển khai và duy trì cuộc thi phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Cũng chính từ cuộc thi viết này, công tác phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt được thực hiện kịp thời, ngay từ cơ sở.

Trong 10 năm qua, đã có gần 20.000 bài viết dự thi cấp thành phố được gửi về Ban tổ chức để chấm, xét tặng giải thưởng. Số lượng tác phẩm báo chí dự thi cấp thành phố là trên 3.000 tác phẩm. Ban tổ chức cuộc thi viết của thành phố đã chấm và trao giải cho 394 tác phẩm. UBND thành phố đã quyết định khen thưởng 146 tập thể, 104 cá nhân tham gia cuộc thi. Số lượng gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được thành phố lựa chọn, tuyên truyền và giới thiệu Trung ương tuyên truyền là gần 400 gương. Số lượng gương được thành phố lựa chọn tham gia giao lưu, tọa đàm là gần 600 gương...

Tổng kết, đánh giá 30 năm phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” (1992-2022), đã có 8 tập thể thuộc thành phố được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Thành phố đã tặng Cờ Thi đua xuất sắc cho 35 tập thể có thành tích tiêu biểu trong tổ chức triển khai phong trào. Từ năm 2014 đến nay, Chủ tịch UBND thành phố đã tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cho gần 8.000 cá nhân; lựa chọn, tôn vinh 140 Công dân Thủ đô ưu tú (từ năm 2010 bắt đầu thực hiện việc xét chọn danh hiệu này).

Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Có thể thấy, các phong trào thi đua yêu nước được thành phố Hà Nội triển khai có nội dung, hình thức phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với việc tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động, kết quả tổ chức các phong trào thi đua yêu nước do UBND - Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố phát động cũng rất rõ nét.

Qua thực hiện phong trào thi đua “Trật tự văn minh đô thị”, lĩnh vực trật tự và văn minh đô thị của thành phố có nhiều chuyển biến rõ nét đã tạo diện mạo mới cho Thủ đô. Đặc biệt, tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm, công trình giao thông, công trình công cộng phục vụ đời sống dân sinh tiếp tục được đẩy nhanh; chương trình trồng 1 triệu cây xanh được hoàn thành trước 2 năm. Qua phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô", từ năm 2021 đến nay, Hội đồng Sáng kiến thành phố đã xét, đánh giá và công nhận 3.109 sáng kiến và 7 đề tài khoa học của các cá nhân thuộc các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị.

Phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” đã tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong phong trào này, thành phố đã khen thưởng 77 tập thể và 31 cá nhân có thành tích thi đua về cải cách hành chính.

Có thể khẳng định, công tác phát động và triển khai các phong trào thi đua của Hà Nội đã đi vào nền nếp, với những biện pháp, giải pháp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động của từng địa phương, lĩnh vực, đem lại hiệu quả thiết thực. Điểm đột phá trong công tác thi đua của thành phố là tổ chức phát động thi đua cùng các điển hình tiên tiến. Nhiều đơn vị quan tâm thực hiện từ khâu lựa chọn điển hình và xây dựng nội dung cần phát động học theo điển hình; từ đó xác định phạm vi, đối tượng, thời gian phát động và bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Một trong những địa phương làm tốt công tác này có thể kể đến là quận Nam Từ Liêm. Hằng năm, UBND quận xây dựng các chủ đề thi đua bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và đặt ra tiêu chí thi đua cụ thể; nội dung, hình thức, phương pháp thường xuyên được đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thi đua.

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội Nguyễn Công Bằng cho biết: “Phong trào thi đua của thành phố đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân toàn thành phố, qua đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Diện mạo thành phố đã thay đổi nhanh chóng và khởi sắc. Kinh tế tiếp tục phát triển và có mức tăng trưởng khá. Việc xây dựng, quản lý đô thị, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Chính trị - xã hội trên địa bàn luôn ổn định. An ninh, quốc phòng, đối ngoại được củng cố và tăng cường. Thủ đô Hà Nội nhiều năm được Nhà nước khen thưởng”.

Từ năm 2014 đến 2018, thành phố Hà Nội liên tục được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Năm 2014, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014). Năm 2018, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội. Năm 2023, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hà Nội về thành tích trong công tác chỉ đạo, tổ chức, điều hành Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024): Sáng tạo, đổi mới phong trào thi đua ở Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.