(HNM) - Hiện nay, Việt Nam có 62 văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, trước những diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, thể chế pháp luật về phòng, chống thiên tai của Việt Nam đã bộc lộ nhiều khoảng trống cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh.
Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2013 và có hiệu lực từ ngày 1-5-2014 là bước đột phá, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai. Luật đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Phòng, chống thiên tai đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Theo Tiến sĩ Bùi Nguyên Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão (Bộ NN&PTNT), Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có quy định về thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai quốc gia để ứng phó và khắc phục hậu quả khẩn cấp; chưa có quy định và phân cấp trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai thuộc phạm vi cấp vùng và cấp tỉnh.
Luật Phòng, chống thiên tai cũng chưa có quy định về việc tiếp nhận viện trợ nhân đạo của các quốc gia, tổ chức quốc tế để hỗ trợ khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai… Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan thì đây là những khoảng trống lớn nhất trong công tác phòng, chống thiên tai.
Theo Tiến sĩ Ian Wilderspin, chuyên gia nghiên cứu đề tài “Đánh giá khoảng trống năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam dưới lăng kính trẻ em” thì đa số các tỉnh, thành phố của Việt Nam hiện nay không có chương trình phòng, chống thiên tai riêng cho các đối tượng dễ bị tổn thương như: Phụ nữ, người nghèo, chủ hộ đơn thân, các hộ có người khuyết tật và trẻ em. Phần lớn các tỉnh thiếu hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ về việc hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương…
Trước những thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai hiện nay, Tiến sĩ Ian Wilderspin khuyến nghị, cơ quan chức năng của Việt Nam cần rà soát tất cả luật và văn bản pháp lý có liên quan tới quản lý rủi ro thiên tai, xác định các vấn đề cần được ưu tiên điều chỉnh. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cần giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ quan phòng, chống thiên tai cấp huyện và cấp xã để giúp họ phản ứng nhanh hơn trước các tình huống khẩn cấp và chủ động tùy theo điều kiện của địa phương...
Tiến sĩ Bùi Nguyên Hồng khuyến nghị cơ quan chức năng cần bổ sung các khoảng trống trong Luật Phòng, chống thiên tai… Về vấn đề bình đẳng giới trong phòng, chống thiên tai, Tiến sĩ Bùi Nguyên Hồng cho rằng cần xem xét bổ sung quy định vai trò của phụ nữ trong việc tham gia xây dựng và giám sát thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai, tham gia và giám sát quá trình xây dựng quy hoạnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, luật cần bổ sung quy định Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tham gia vào quá trình vận động, quyên góp và phân bổ nguồn lực để cứu trợ, hỗ trợ khẩn cấp về thiên tai...
Bà Mizuho Okimoto, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: Các trường học giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao nhận thức và khả năng chống chịu với thiên tai của cộng đồng. Vì vậy, các cơ quan của Việt Nam cần sửa đổi quy định pháp luật đề cập đến đối tượng này để tạo ra các cộng đồng an toàn trước thiên tai…
Đánh giá cao những khuyến nghị nêu trên, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ tổng hợp để trình cơ quan thẩm quyền xem xét bổ sung để lấp đầy khoảng trống về luật pháp, sửa đổi các quy định chưa hoặc không còn phù hợp… nhằm hoàn thiện thể chế phòng, chống thiên tai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.