(HNMO) - Chiều 3-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021; triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, song Chương trình Khoa học công nghệ đã mang lại rất nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bộ NN&PTNT xác định, thời gian tới, khoa học công nghệ tiếp tục là "trụ cột" quan trọng đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, chất lượng.
Tác động đến nhiều lĩnh vực
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, để thúc đẩy thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Khoa học và công nghệ. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa từ năm 2011 đến năm 2021, qua 2 giai đoạn.
Chương trình Khoa học và công nghệ giai đoạn 2 (2016-2021), cả nước xây dựng, tuyển chọn 84 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở 5 nhóm nội dung lớn với tổng kinh phí thực hiện là gần 586 tỷ đồng.
Đây là chương trình đặc thù, có mục tiêu, nội dung bao trùm hầu hết lĩnh vực phát triển nông thôn, thuộc nhiều chuyên ngành khoa học công nghệ, phạm vi nghiên cứu trải rộng trên địa bàn nông thôn toàn quốc, tác động đến nhiều đối tượng mà trung tâm là nông dân...
Qua đó, góp phần kết nối chặt chẽ nguồn lực giữa các ngành khoa học, giữa lý luận với thực tiễn, giữa nghiên cứu và chuyển giao, giữa nghiên cứu đón đầu và phục vụ kịp thời trước mắt nhu cầu sôi động của xây dựng nông thôn mới, giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân...
Trong sản xuất nông nghiệp, chương trình đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành, tăng trưởng nông nghiệp, nhất là cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, thay đổi sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong xây dựng nông thôn mới, chương trình giúp nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp về cách tiếp cận trong phát triển nông thôn mới; phát huy vai trò các chủ thể và yếu tố cơ bản của mô hình nông thôn mới bền vững.
Ví như, với đề tài nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, chương trình đã giới thiệu chuyển giao vào sản xuất 137 quy trình và giải pháp công nghệ; 1.735 công trình kỹ thuật, máy móc, thiết bị, cải thiện rõ rệt năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất bền vững.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho rằng, khoa học công nghệ là một trong những khâu đột phá giúp tỉnh đạt kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021. Tỉnh đã triển khai hơn 322 nhiệm vụ với 146 nhiệm vụ đã được tỉnh nghiệm thu...
"Chúng tôi quan tâm đặc biệt ưu tiên ngân sách cho nghiên cứu khoa học công nghệ, nhờ đó chương trình này tác động rất lớn đến xây dựng nông thôn mới trên địa bàn như: Hoàn thiện thể chế xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp; cơ giới hóa, quy trình VietGAP, chuyển đổi số trong nông nghiệp được ứng dụng ngày một nhiều hơn", ông Cường phát biểu.
Thạc sĩ Vũ Thị Vân Phượng, đại diện Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại cho biết, từ việc nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp đã tổ chức liên kết với người dân ở nhiều địa phương vùng núi phía Bắc vận dụng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dưới tán rừng, vận dụng khoa học kỹ thuật để canh tác hợp lý trong việc trồng cây dược liệu làm thuốc thành hàng hóa.
Các tham luận cũng chỉ ra Chương trình giai đoạn II còn những hạn chế cả về lượng và chất của các đề tài, dự án, cơ chế hoạt động. Đó là, còn ít mô hình mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, tạo hiệu quả đồng bộ trong phát triển nông thôn; còn ít đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở các vùng nông thôn mới, nghiên cứu ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, kết nối, quản trị cộng đồng nông thôn; nghiên cứu đề xuất các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp đặc thù từng ngành nghề, vùng miền. Theo kế hoạch, Chương trình kết thúc năm 2020 nhưng đã phải xin phép Thủ tướng Chính phủ cho kéo dài tới tháng 6-2022.
Các đề tài phải xuất phát từ thực tiễn, có khả năng ứng dụng và lan tỏa cao
Theo Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, chương trình tập trung bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 19). Với định hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh", các đề tài thuộc Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, điều kiện địa phương.
Đặc biệt, các đề tài khoa học công nghệ cần chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và lan tỏa cao trong thực tiễn; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo... Chương trình tiếp tục tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở vùng nông thôn...
Đề xuất giải pháp thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước đề nghị, Bộ NN&PTNT chỉ đạo, lựa chọn thực hiện các đề tài ứng dụng nghiên cứu phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn cho khu vực nông thôn. Các đề tài giúp người dân nông thôn tạo ra các phong trào, hình thành tập quán canh tác, sinh hoạt để hạn chế rác thải thay vì xử lý rác thải.
Kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Viện Quy hoạch nông thôn (Bộ Xây dựng) cho biết, qua khảo sát tại Hà Nội cho thấy, vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ chịu tác động rất lớn của đô thị hóa, bởi đây là khu vực có dân cư đông đúc, có nhiều dự án phát triển đô thị. Do đó, các làng xã ở đây mang tính chất nửa đô thị, nửa nông thôn, việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Pháp luật hiện hành còn rất thiếu những quy định về quản lý phù hợp với các làng xã "nửa đô thị - nửa nông thôn. Do vậy, tới đây, Viện Quy hoạch nông thôn xác định tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học cho vấn đề xây dựng nông thôn mới tại các vùng chịu tác động của đô thị hóa để bảo vệ, duy trì văn hóa nông thôn, văn hóa bản địa.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh vai trò đặc biệt của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cho rằng từ nhu cầu thực tế, khoa học công nghệ có rất nhiều dư địa để phát triển. Về việc thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học có thể từ "trên" đưa xuống nhưng cũng có thể xuất phát từ thực tiễn trên đồng ruộng của nông dân, địa phương. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi và dùng khoa học công nghệ để giải quyết những câu hỏi đó".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đặt vấn đề: Nên tập trung thực hiện những đề tài lớn hay đề tài nhỏ? Hiện nay, các bước xây dựng, xét duyệt đề tài đang mất rất nhiều thời gian. Do đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cần tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới xây dựng danh sách đề tài trước, sau đó trao đổi, bàn bạc, rút gọn và thực hiện các bước tiếp theo để rút ngắn thời gian thực hiện đề tài.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, nếu một đề tài tuy nhỏ nhưng có thể thực hiện ở nhiều địa phương tương đồng thì sức lan tỏa sẽ rất lớn thay vì việc thực hiện một đề tài rất lớn nhưng lại khó ứng dụng rộng rãi.
Các đề tài khoa học cũng cần được tiếp thị, quảng bá, chuyển giao đến người dân. Chỉ khi thị trường chấp nhận thì đề tài mới thành công.
"Không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ thông qua đề tài mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết, kỹ năng, chuẩn hóa cho nông dân, hợp tác xã. Mong rằng, mỗi nhà khoa học đến với nông dân chính là cơ hội giúp nông dân nâng cao tri thức, tăng năng suất lao động, tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.