Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi doanh nghiệp vì người lao động

Minh Ngọc| 31/12/2018 06:06

(HNM) - Khi doanh nghiệp vì người lao động mà thực hiện đầy đủ chính sách phúc lợi, quan tâm tới đời sống của họ sẽ mang lại lợi ích kép.

Nữ công nhân Công ty May Loa Thành, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) được tạo điều kiện để làm việc lâu dài. Ảnh: Hà Hiền


Lợi ích kép

Hằng ngày, chị Đồng Thị Hậu, thôn Cầu Cả, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) và nhiều lao động khác đều háo hức đến Công ty May Loa Thành có trụ sở tại xã Cổ Loa để làm việc. Khi đến công ty, mọi người đều vui vẻ làm việc với tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hậu cho biết, chị là lao động nông nghiệp, không có nghề phụ, thu nhập bấp bênh. Ở tuổi 39, chị luôn mong muốn có việc làm mang lại thu nhập ổn định để nuôi 3 con ăn học. Cơ hội đến khi chị tham gia lớp học nghề may ngắn hạn dành cho lao động nông thôn vào cuối năm 2017, sau đó được nhận vào làm công nhân tại Công ty May Loa Thành vào đầu năm 2018.

Chị Hậu chia sẻ: “Đi làm gần nhà theo giờ hành chính, lại có thu nhập ổn định khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, được đóng bảo hiểm xã hội và nhiều chính sách phúc lợi khác, chúng tôi sẽ gắn bó lâu dài với công việc”. Ngoài chị Hậu, đa số lao động làm việc tại Công ty May Loa Thành là lao động nông nghiệp qua các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp.

“Để có đội ngũ lao động thạo việc, chúng tôi sẵn sàng đào tạo nghề nâng cao cho những ai có nhu cầu, đồng thời có chính sách thu hút lao động vào làm việc lâu dài”, chị Nguyễn Cao Thùy Trang, cán bộ quản lý Công ty May Loa Thành cho hay.

Xác định rõ việc đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội và cả nước có những chính sách phúc lợi xã hội tiêu biểu, vượt trội. Có thể kể đến như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội liên tục tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân, giúp họ có đời sống tinh thần vui tươi, lành mạnh. Công ty TNHH KEFICO Việt Nam xây dựng phòng nghỉ cho nhân viên, trong đó có phòng nghỉ riêng cho lao động nữ.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) bố trí khu làm việc riêng cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ và người khuyết tật. Ở khu vực này, người lao động chỉ làm việc 7 giờ/ngày, được ngồi làm việc trên những chiếc ghế tựa để khi mệt mỏi có thể nghỉ ngơi, thư giãn trong giây lát.

Chị Đặng Thị Hồng Hải, công nhân dây chuyền sản xuất số 23, cơ sở may tại huyện Đại Từ chia sẻ: "Trong 4 năm gắn bó với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, tôi mang thai 2 lần, lần nào cũng được làm việc ở dây chuyền ưu tiên. Ngoài các chế độ theo quy định, toàn bộ lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ trong thời gian làm việc tại công ty được hỗ trợ thêm. Mức hỗ trợ khoảng hơn 400.000 đồng/người/tháng từ lúc người lao động mang thai, cho đến khi con của họ đủ 6 tuổi...".

Đại diện cho các doanh nghiệp được xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2018, ông Park Sung Geun, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định, việc thực hiện tốt các chính sách phúc lợi dành cho người lao động mang lại nhiều lợi ích. Người lao động có động lực làm việc sẽ tăng năng suất, tăng thu nhập, có cơ hội phát triển.

Trong khi đó, doanh nghiệp ít phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là vào dịp cuối năm; đồng thời giảm được các chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo. Đặc biệt, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được nhiều người biết đến, sản phẩm của doanh nghiệp được thị trường trong nước, quốc tế đón nhận.

Cần nhiều doanh nghiệp vì người lao động

Theo bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), phúc lợi dành cho người lao động bao gồm tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp, điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bữa ăn ca, du lịch, nghỉ mát, sinh hoạt văn hóa, thể thao, nơi gửi trẻ… Doanh nghiệp vì người lao động là những đơn vị thực hiện đầy đủ, thậm chí nhiều hơn các chính sách này.

Mặc dù khi doanh nghiệp coi người lao động là nhân tố quyết định sự thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích, tuy vậy hiện số lượng những doanh nghiệp này chưa nhiều. Từ năm 2014 đến nay, cả nước mới có hơn 300 lượt doanh nghiệp được tôn vinh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” trong tổng số hàng nghìn lượt đơn vị ứng cử.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, nước ta xảy ra khoảng 200-300 cuộc đình công, ngừng việc tập thể do người lao động chưa hài lòng với tiền lương, thưởng và các chính sách phúc lợi khác mà họ được hưởng. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội tại nhiều doanh nghiệp chưa được khắc phục.

Về vấn đề này, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cảnh báo, nước ta đã cam kết thực hiện nội dung về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực và quyền lợi mà người lao động được hưởng là một trong những tiêu chí đánh giá sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Muốn tăng sức cạnh tranh, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình phúc lợi dành cho người lao động.

Những dẫn chứng nêu trên có thể khẳng định, cùng với sự nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện hiệu quả, sáng tạo các chính sách phúc lợi, tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong môi trường tốt nhất. Khi doanh nghiệp và người lao động có chung mục đích và lợi ích, cả hai phía sẽ phát triển toàn diện, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi doanh nghiệp vì người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.