(HNM) - Mới đây, cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang một cơ sở chuyên nhập khẩu mỹ phẩm từ nước ngoài, sau đó giả nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng thế giới rồi đưa ra thị trường. Hiện lực lượng chức năng đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vấn đề đặt ra ở đây là nếu số mỹ phẩm giả, nhái nêu trên không bị phát hiện thì nó sẽ đến được các shop lớn nhỏ. Từ vi phạm pháp luật, khối lượng hàng này được hợp pháp hóa như bao mặt hàng khác. Nói cách khác, hoạt động "bất bình thường" được "phù phép" để trở thành "bình thường". Và thực tế này diễn ra đã nhiều năm nay.
Thực ra, không riêng ngành hàng mỹ phẩm. Cứ mặt hàng nào bán chạy trên thị trường trong nước, lập tức sẽ có hàng giả, hàng nhái. Vi phạm sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa không chỉ do các doanh nghiệp trong nước làm giả, làm nhái mà còn được làm từ nước ngoài rồi tuồn vào Việt Nam. Nhưng nguyên nhân nào khiến điều "bất bình thường" trở thành "bình thường"?
Đầu tiên, phải nói tới vai trò chính của cơ quan quản lý thị trường. Trong những năm qua, cơ quan này đã phối hợp với công an và các đơn vị chức năng khác bắt giữ quả tang nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng nhái, hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hàng nhái, hàng giả vẫn được bày bán công khai ở các chợ đầu mối, các quầy bán lẻ, thậm chí các cửa hàng lớn trên phố khắp cả nước cho thấy hiệu quả chống hàng nhái, hàng giả vẫn còn hạn chế.
Trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận thiếu sót trước các đại biểu, nhưng cho rằng lực lượng này quản lý thị trường vừa mỏng vừa yếu. Mặt khác, theo quy định, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm trong công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận thương mại nhưng phải chăng vì các quầy hàng đóng góp cho ngân sách địa phương nên không ít nơi lơ là, thậm chí bỏ qua vi phạm?
Đối với doanh nghiệp sản xuất, dù có thông tin về việc sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái nhưng họ biết việc thực thi luật pháp trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, theo đuổi một vụ kiện mất thời gian và đôi khi hiệu quả không như mong muốn. Mặt khác họ cũng am hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt Nam nếu làm to chuyện sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng nên chấp nhận "sống chung với lũ"… Hậu quả đối với xã hội là điều "bất bình thường" thành "bình thường".
Ở phía người tiêu dùng, không phải ai cũng có thể phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng nhái bởi trình độ làm giả ngày nay rất tinh vi. Nhiều người bỏ tiền mua hàng thật lại mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết kêu ai, kiện ai. Đấy là chưa kể tình trạng một số mặt hàng, trong đó có mỹ phẩm, đối tượng tiêu dùng trẻ tuổi hoàn toàn có thể biết rõ nước hoa, kem, phấn… của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới không có giá bán "như cho" nhưng vẫn sẵn sàng mua. Và rất nhiều người không biết làm như vậy là vi phạm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Điều "bất bình thường" trở thành "bình thường" không chỉ làm thiệt hại sản xuất trong nước, người lao động mất việc làm mà các nhà đầu tư sẽ không bỏ tiền của xây dựng cơ sở sản xuất. Việt Nam là thành viên của WTO, tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu luôn đặt vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lên hàng đầu, nếu để vi phạm tràn lan, danh tiếng quốc gia sẽ bị giảm sút. Thiết nghĩ, yêu cầu ngăn chặn thực trạng này đã đến lúc không thể chậm trễ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.