Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi di sản văn hóa là ”con tin”

Thủy Tiên| 21/07/2013 05:50

(HNM) - Mới đây tin thị trấn cổ Đồng Văn của tỉnh Hà Giang muốn trả lại Bằng công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia cho thấy, một lần nữa di tích văn hóa bị bắt làm "con tin". Trước Đồng Văn, phố cổ Hội An, làng cổ Đường Lâm của Hà Nội cũng từng là "con tin". Như vậy, việc bảo tồn di tích văn hóa có vấn đề.


Đầu tiên phải khẳng định Nhà nước rất ý thức việc bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là những di tích cấp quốc gia. Và, dù còn nghèo nhưng hằng năm Nhà nước vẫn dành 3.500 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử. Song đem chia số tiền đó cho 3.000 di sản cấp quốc gia thì phần của mỗi di tích lại rất nhỏ, chính vì thế Nhà nước đã yêu cầu các địa phương hằng năm dành một phần ngân sách cho công việc này, đồng thời cũng cho phép xã hội hóa bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia; bên cạnh đó Nhà nước cũng mong muốn người dân nơi có di tích đóng góp lớn hơn để nguồn kinh phí thêm dồi dào.

Nhà nước cố gắng như vậy nhưng chính quyền địa phương lại thờ ơ. Ngành văn hóa Hà Giang đã trình dự án bảo tồn thị trấn cổ Đồng Văn từ năm 2010 nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được duyệt do nhận thức có vấn đề: ở tỉnh nghèo thì bảo tồn văn hóa chỉ là thứ yếu so với phát triển kinh tế. Song một thực tế không thể phủ nhận, trong nhiều năm qua, một bộ phận dân cư, doanh nghiệp lữ hành ở thị trấn Đồng Văn đã được hưởng lợi từ di tích của chính họ khi số du khách lên với Đồng Văn năm sau cao hơn năm trước. Dân được hưởng lợi, doanh nghiệp du lịch của địa phương hưởng lợi thì thu ngân sách của tỉnh chắc chắn sẽ tăng. Có nguồn thu từ du lịch lại không đầu tư trở lại hay hỗ trợ để bảo tồn, tôn tạo thì dân bức xúc và bắt di tích làm "con tin" cũng dễ hiểu. Một câu hỏi đặt ra, nếu thị trấn Đồng Văn phát triển tùy tiện, kiến trúc nham nhở, liệu rằng du khách nước ngoài, du khách trong nước có đến đây không? Và thực tế, rất hiếm các địa phương có di tích xúc tiến quảng bá một cách bài bản (giống như các chương trình quốc gia), mà hoàn toàn trông chờ vào sự nổi hứng hay tò mò của du khách, như thế làm sao "dùng di tích nuôi di tích"?

Văn hóa là động lực cho sự phát triển của địa phương và quốc gia. Nói một cách cụ thể, văn hóa trong đó có các di tích lịch sử, văn hóa chính là chiếc gậy để một dân tộc không ngã khi tiến lên phía trước. Mất đi những giá trị văn hóa là mất đi tài sản vô giá và chắc chắn quốc gia ấy sẽ mất thăng bằng. Do vậy bảo tồn di tích văn hóa không chỉ cho hôm nay mà còn cho con cháu chúng ta mai sau.

Song có điều lạ là, địa phương nào cũng chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương. Không chỉ có vậy, chính sách của địa phương đó để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chưa phù hợp, thậm chí còn bất cập dẫn đến dân bức xúc.

Vướng mắc chính khiến các di sản trở thành "con tin" chính là cơ chế của các địa phương chưa hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Điều này không dễ nhưng không có nghĩa là không làm được và Hội An là một ví dụ cụ thể. Nếu Hà Giang có những chính sách cân bằng mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển thì chắc chắn di tích thị trấn cổ Đồng Văn sẽ tồn tại.

Loại trừ những di tích đặc biệt, hầu hết các di tích văn hóa muốn trở thành di sản cấp quốc gia, chính quyền địa phương đều phải có đơn đề nghị để ngành văn hóa cử các chuyên gia thẩm định giá trị lịch sử, kiến trúc, sau đó mới đề xuất di tích đó xứng đáng hay không. Khi đã trở thành di sản văn hóa cấp quốc gia thì di tích trở thành tài sản của cả nước và chính quyền địa phương đó có trách nhiệm phải thực hiện đúng Luật Di sản về bảo vệ, bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi di sản văn hóa là ”con tin”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.