(HNM) - Trong nhiệm kỳ 2014-2019, hoạt động giám sát tại cơ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã được tăng cường, mở rộng, thu nhiều kết quả tích cực. Nhiều cán bộ mặt trận đã trở thành “chiến sĩ” thầm lặng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở.
Kiến nghị thu hồi hơn 15 tỷ đồng
Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) Trần Hữu Thắng cho biết, 9 thành viên Ban Thanh tra nhân dân của xã đều nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, qua giám sát, ban đã phát hiện 2 hộ lấn chiếm đất công, 1 hộ sử dụng đất sai mục đích, 1 hộ nuôi gia cầm số lượng lớn trong khu dân cư, gây mất vệ sinh môi trường. Các trường hợp trên đều được kiến nghị với xã giải quyết kịp thời.
Xác định giám sát là việc khó nên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) đã thành lập hòm thư góp ý. Nhiều thông tin từ hòm thư là cơ sở để Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng vào cuộc giám sát. Điển hình như đối với dự án Khu tái định cư X1 trên địa bàn, khi triển khai, đơn vị thi công chỉ thông báo cho địa phương và đưa xe đến san lấp mặt bằng. Từ thông tin tiếp nhận qua hòm thư, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng xã đã tiến hành giám sát, kiên quyết buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng thiết kế, nhất là khâu nạo vét bùn trước khi san lấp, kịp thời ngăn chặn sai phạm, thất thoát.
Đánh giá về hoạt động thanh tra nhân dân trên địa bàn, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Sơn Tây Hà Việt Phong khẳng định, những năm gần đây, ban thanh tra nhân dân tại các xã, phường thuộc thị xã hoạt động rất tích cực, hiệu quả. Tại xã Cổ Đông, 6 tháng đầu năm 2019, qua giám sát đã phát hiện 1 hộ xây nhà trái phép và vận động tháo dỡ thành công; 1 hộ lấn chiếm đất công, đã kiến nghị xử lý, trả lại 20m2 đất. Ban Thanh tra nhân dân phường Phú Thịnh phát hiện 1 công trình xây dựng vi phạm, đã đề nghị chủ đầu tư khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu. Ban Thanh tra nhân dân phường Trung Sơn Trầm phát hiện 1 hộ dân trồng cây và xây mộ trên đất công, đã đề nghị UBND phường xử lý kịp thời…
Thành phố Hà Nội hiện có 5.265 ban thanh tra nhân dân với hơn 6.000 thành viên, trong đó có 53 ban thanh tra nhân dân kiêm giám sát đầu tư của cộng đồng. 5 năm qua, các ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã giám sát gần 40 nghìn cuộc; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia giám sát hơn 21 nghìn công trình. Qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm về đầu tư không đúng quy định; cung ứng vật tư, thực hiện quy trình sai so với nội dung được phê duyệt; các trường hợp gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước…; kiến nghị thu hồi hơn 250 nghìn mét vuông đất và hơn 15 tỷ đồng.
Vượt lên khó khăn
Những kết quả đạt được của công tác giám sát đã góp phần khẳng định vai trò, vị trí của mặt trận; phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Tuy nhiên, hoạt động giám sát ở cơ sở vẫn còn những khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm, hầu hết các thành viên ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng không có kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động giám sát như: Kế toán, tài chính, địa chính, pháp luật… Do đó, khi giám sát chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và nhận thức chủ quan của cá nhân nên hiệu quả chưa như mong muốn. Mặt khác, hoạt động này liên quan nhiều đến các lĩnh vực nhạy cảm như đầu tư xây dựng, quản lý kinh tế, tài chính, quản lý, sử dụng đất đai…; nếu không có sự tạo điều kiện phối hợp của các cơ quan liên quan thì rất khó thu được kết quả.
Vượt lên những khó khăn, nhiều cán bộ mặt trận đã tìm tòi, học hỏi để có kiến thức phục vụ công việc. Trưởng ban Thanh tra nhân dân xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) Kiều Văn Thạch chia sẻ: “Giám sát công trình mất nhiều thời gian và phức tạp, nhưng muốn chất lượng công trình tốt, tôi không quản ngại dành thời gian nghiên cứu hồ sơ, bản vẽ. Chỗ nào chưa rõ thì tìm kỹ sư hoặc người có kinh nghiệm để hỏi thêm”.
Gắn bó với công tác giám sát hơn 10 năm nay, bí quyết thành công của Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Hữu Du là phải gần dân, gần địa bàn và có hiểu biết về xây dựng. “Có kiến thức khi giám sát mới biết được các đơn vị thi công làm có đúng tiêu chuẩn kỹ thuật không. Nếu không thì yêu cầu họ làm đúng để bảo đảm chất lượng công trình”, ông Du khẳng định.
Trưởng ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) Lê Đình Can chia sẻ: “Ngoài kiến thức cử nhân luật, tôi còn thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu các chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để phục vụ công việc”.
"Hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện thường xuyên, liên tục và rộng khắp sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở cơ sở. Với những lợi thế này, thời gian tới chắc chắn hoạt động này của mặt trận sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa", Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.