Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khát vọng vươn lên

Bài và ảnh:  Nguyễn Lê| 20/04/2022 07:30

(HNNN) - Gần nửa thế kỷ sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thành phố Hồ Chí Minh giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, trong một thập niên gần đây, thành phố đối diện với thách thức tiềm tàng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022 được xác định là năm bản lề để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm cao nhất có thể để đưa kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Cầu Thủ Thiêm 2 - công trình giao thông điển hình của việc huy động nguồn lực đầu tư xã hội - nối quận 1 với thành phố Thủ Đức, dự kiến thông xe đúng dịp 30-4-2022.

Đồng lòng vượt thách thức

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, gia đình anh N.H.N (ở phường 16, quận 8) có 4 người đều là F0, trong đó có trẻ nhỏ và người già trên 80 tuổi. Gia đình anh N.H.N được nhân viên y tế địa phương quan tâm hỗ trợ cách ly tại nhà, xét nghiệm, phát túi thuốc điều trị và đưa vào nhóm Zalo theo dõi 24/24 giờ. “Bất cứ thành viên nào có dấu hiệu bất thường đều được nhân viên y tế tư vấn, hỗ trợ. Cùng với ý thức tuân thủ cách ly theo quy định, cả bốn thành viên F0 trong gia đình tôi đều khỏi bệnh” - anh N.H.N chia sẻ.

Trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 năm qua tại thành phố Hồ Chí Minh có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4, dù thiếu hụt trầm trọng lao động phục vụ sản xuất, công ty đã tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. “Chúng tôi chấp nhận thu hẹp sản xuất, tạo điều kiện để F0, F1 cách ly theo đúng quy định, đồng hành cùng thành phố sớm kiểm soát dịch để phục hồi kinh tế” - ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế thành phố chỉ đạt mức tăng trưởng 1,39% so với năm 2019. Đến năm 2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố lần đầu tiên trong lịch sử giảm sâu (giảm 6,78% so với cùng kỳ năm 2020). Ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của thành phố do đại dịch Covid-19 khoảng 273.000 tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD.

Có thể nói, năm 2021 là năm thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với thách thức chưa từng có trong gần nửa thế kỷ qua. Để ứng phó với đại dịch Covid-19, thành phố đã phong tỏa toàn diện trong khoảng thời gian nhất định. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Năm 2021 là một năm thử thách quá lớn đối với thành phố. Trong thời khắc khó khăn nhất, Đảng bộ thành phố và chính quyền các cấp thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất có thể. Đặc biệt, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành của chính quyền, thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng thành phố vượt qua dịch bệnh”.

“Cởi trói” để bứt phá

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) thành phố bình quân hằng năm là 8%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt khoảng 8.500 USD/người. Tuy nhiên, 2 năm qua (2020 - 2021), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế thành phố suy giảm, không đạt tăng trưởng như kỳ vọng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, từ mức giảm sâu ở quý III, quý IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, đến nay, kinh tế thành phố đã dần ổn định và phục hồi tăng trưởng dương. Cụ thể, GRDP thành phố quý I-2022 ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,46% của quý I-2021 nhưng cao hơn 0,79 điểm phần trăm so với mức tăng của quý I-2020 (quý I-2020 tăng 1,09%). Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai nhận định, giá trị tăng trưởng kinh tế quý I-2022 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng để thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6 - 6,5% trong năm 2022 như đã đề ra.

Mặc dù vậy, trước các diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và tình hình thế giới, khu vực, thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, cần dư địa phát triển ổn định, tăng trưởng nhanh và bền vững thì mới có thể đạt được các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI đã đề ra. Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thường trực Quốc hội mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị 5 nội dung lớn, gồm: Kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án và các cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án đường Vành đai 3; kiến nghị Quốc hội cho phép thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện cơ chế, đối với các nguồn vốn mà thành phố có thể huy động từ các nguồn thu ngoài mức vốn theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-9-2021 về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (142.557 tỷ đồng), được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố; kiến nghị Quốc hội xem xét ủng hộ, tạo điều kiện để đề án phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế được thông qua trong thời gian sớm nhất; kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh); kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với vị trí, vai trò của thành phố, trong đó kế thừa một số nội dung Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54) và bổ sung một số nội dung mới có liên quan đến tổng thể công tác quản trị thành phố.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trước mắt Thành phố mong muốn Trung ương phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho thành phố trong 4 lĩnh vực: Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; quản lý nhà đất và hạ tầng đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức theo hướng mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố. Theo người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang có sự trói buộc bởi các luật chuyên ngành liên quan đến 4 lĩnh vực trên, nên cần có chế định cụ thể, minh bạch thẩm quyền giữa trung ương và địa phương để “cởi trói” cho thành phố phát triển bứt phá.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Thành phố tiếp tục hoàn thiện thể chế, củng cố chất lượng chính quyền đô thị với tâm thế và tư duy mới. Năm 2022, Thành phố sẽ sơ kết Nghị quyết 54 của Quốc hội để tiếp tục có những kiến nghị, đề xuất, bổ sung, thay thế phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố trong giai đoạn mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tập trung chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố trong thu hút đầu tư; thích ứng an toàn với diễn biến dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng vươn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.