(HNM) - Thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) là một trong những vùng sản xuất và cung cấp rau an toàn lớn của Hà Nội. Do quá trình sản xuất tuân thủ kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, nên cơ bản rau an toàn Tiền Lệ bảo đảm chất lượng, được khách hàng tin dùng.
Thôn Tiền Lệ nằm ven bờ sông Đáy, có đất phù sa màu mỡ, nên rất thích hợp cho canh tác rau màu. Thôn hiện có hơn 46ha đất sản xuất rau với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, như: Đường bê tông nội đồng, giếng khoan, bể chứa nước… Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào cho biết, vùng sản xuất rau an toàn Tiền Lệ đã được Chi cục Bảo vệ thực vật chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế rau. Ngoài ra, trong tổng số 46ha đất sản xuất rau, hiện Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 2 vùng rau có diện tích 31ha với sản lượng hơn 3.000 tấn/năm và 2,5ha với sản lượng gần 160 tấn/năm cho Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ.
Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức Đặng Thị Thu Thủy cho biết: Hằng năm, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn cho người dân từ kỹ thuật sử dụng phân bón, tưới tiêu, cách phun thuốc bảo vệ thực vật và quy trình thu hoạch sản phẩm... Do đó, nông dân trên địa bàn có kỹ thuật thâm canh tương đối tốt, chất lượng bảo đảm, mỗi năm có thể sản xuất từ 6 đến 8 vụ rau.
Là một trong những hộ trồng rau an toàn ở thôn Tiền Lệ, ông Nguyễn Văn Hải cho biết: Mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP được áp dụng hơn 10 năm nay trên địa bàn xã. Nhìn chung, canh tác rau theo hướng này ổn định, đạt hiệu quả khoảng 200-300 triệu đồng/ha/năm. Nông dân thay đổi được thói quen sản xuất tùy tiện, không còn tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi...
Để giám sát chất lượng rau, hằng năm, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cử cán bộ xuống kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân cách dùng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình. Vì vậy, rau an toàn Tiền Lệ được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Hiện có tới 70% số lượng rau an toàn của hợp tác xã đã được các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng đến thu mua tại ruộng.
Tuy nhiên, việc sản xuất rau an toàn ở Tiền Lệ đang gặp khó khăn về diện tích sản xuất tập trung và kiểm soát sâu bệnh, nhất là giai đoạn chuẩn bị thu hoạch; người dân chưa áp dụng đa dạng hóa loại cây trồng để cung ứng theo yêu cầu thị trường nên vẫn còn tình trạng “lúc thừa, lúc thiếu”; quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP phức tạp nên nông dân khó tiếp cận, lúng túng, chưa quen việc ghi chép nhật ký đồng ruộng...
Ông Nguyễn Văn Hào nêu kiến nghị, các ngành chức năng cần thường xuyên mở lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau an toàn cho nông dân để nâng cao kiến thức trong sản xuất, bảo đảm chất lượng; hỗ trợ người sản xuất rau an toàn gắn tem nhãn mác truy xuất nguồn gốc xuất xứ... Mặt khác, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn để mở rộng sản xuất và xây dựng chuỗi liên kết nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.