(HNMO) - Sáng 16-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã kiểm tra việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (tuyến số 3), đoạn Nhổn - ga Hà Nội trên địa bàn quận Ba Đình.
Tham gia buổi kiểm tra còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông...
Trước khi làm việc với các đơn vị có liên quan tại Quận ủy Ba Đình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và Đoàn công tác của thành phố đã kiểm tra thực địa tại ga ngầm S9 (phố Kim Mã, quận Ba Đình) và một số hộ dân thuộc ngã ba, ngõ Núi Trúc - Giang Văn Minh.
Báo cáo của UBND thành phố và quận Ba Đình cho thấy, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, trong đó có 342,2km cầu cạn, cầu cạn kết hợp đi bằng và 75,6km đi ngầm.
Trong đó, dự án ga ngầm S9 (tuyến đường sắt đô thị số 3), đoạn Nhổn - ga Hà Nội thuộc địa bàn 2 phường Ngọc Khánh, Kim Mã của quận Ba Đình. Cụ thể, phường Ngọc Khánh có 17 trường hợp thuộc diện phải thu hồi đất, diện tích là hơn 15.000m2. Phường Kim Mã có 18 trường hợp hộ dân thực hiện thu hồi tạm thời để bảo đảm an toàn trong quá trình triển khai dự án.
Xác định đây là dự án trọng điểm của thành phố, Quận ủy, UBND quận Ba Đình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án ga ngầm S9 theo hướng, vừa bảo đảm an ninh trật tự, vừa ổn định đời sống nhân dân.
Thông qua việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục gắn với tổ chức các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với cán bộ, đảng viên và nhân dân; bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị thu hồi đất trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng…, đã tạo được sự tin tưởng, ủng hộ, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện dự án.
Đến nay, UBND quận Ba Đình đã ban hành xong các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án, thực hiện chi trả toàn bộ số tiền bồi thường hỗ trợ với số tiền gần 50 tỷ đồng; bố trí tái định cư cho các hộ dân với 13 căn hộ tại nhà N07 khu 5,3ha Dịch Vọng (quận Cầu Giấy); đồng thời thực hiện xong công tác thu hồi mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư, bảo đảm công tác thi công dự án.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành thành phố đã nêu những vướng mắc còn tồn tại trong triển khai dự án; đồng thời đề xuất những phương án cụ thể để giải quyết những vướng mắc còn tồn tại dẫn tới chậm tiến độ dự án ga ngầm S9.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông đề nghị các sở, ngành liên quan trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân di chuyển nhà ở khỏi khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian thi công dự án ga ngầm S9. Mục tiêu là vừa bảo đảm an toàn thi công theo đúng thời điểm, vừa tránh để dự án chậm tiến độ và kéo dài, làm ảnh hưởng đến uy tín của thành phố và cả nước.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, sau khi thị sát công trình và trực tiếp trao đổi với các hộ dân, có thể nhận thấy, UBND quận Ba Đình đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo đúng quyết định của Thành ủy. Nhờ vậy, các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất để triển khai dự án ga ngầm S9 đều đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương lớn của thành phố.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, dự án ga ngầm S9 là dự án sử dụng vốn vay ODA. Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường sắt số 3 sẽ cùng với 9 tuyến khác góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội. Công trình này cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặc biệt quan tâm về tiến độ triển khai. Bởi ngoài vai trò quan trọng của dự án, việc hoàn thành tuyến đường sắt số 3 còn liên quan tới uy tín của đất nước và Thủ đô Hà Nội, bởi đây là dự án sử dụng vốn vay ODA.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các đơn vị liên quan phải cam kết thực hiện xong các hạng mục trên mặt đất của dự án ngay trong năm 2022. Với phần giải phóng mặt bằng các công trình ngầm đi từ quận Ba Đình, quận Đống Đa đến ga Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát cơ chế, chính sách, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng với 50 hộ bị ảnh hưởng để sớm thống nhất chi tiết phương án chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của hai quận Ba Đình, Đống Đa trong việc vận động, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án; qua đó giúp các hộ dân đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương chung của thành phố, tạo tiền lệ tốt cho các dự án tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, ngay trong tháng 10-2022, hai quận Đống Đa và Ba Đình phải chi trả xong phần đền bù, hỗ trợ cho người dân. Trong đó, cần lên kế hoạch cụ thể, quy định rõ chi trả ở đâu, hình thức nào, những hộ chưa đến lĩnh tiền đền bù thì sẽ xử lý cụ thể ra sao… Trong quá trình thực hiện, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân.
Đối với trường hợp 1 hộ dân tại quận Ba Đình đã 4 lần chấp hành nghiêm việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng để triển khai dự án ga ngầm S9, diện tích nhà đất còn lại quá nhỏ, có đề xuất mua thêm 1 căn nhà tái định cư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định đây là nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan sớm xem xét, giải quyết cho người dân. Ngay trong tháng 10-2022, Sở Xây dựng phải có phương án trả lời cụ thể để người dân được mua nhà tại địa bàn gần nhất và sớm ổn định cuộc sống.
Nhấn mạnh việc sớm hoàn thành dự án ga ngầm S9 có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả vốn vay ODA, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các hạng mục của dự án, qua đó giữ vững uy tín của Thủ đô Hà Nội và cả nước trong việc thực hiện các dự án lớn. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, nhất trí cao trong triển khai các dự án lớn của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.