(HNM) - Nhằm tăng cường kiểm soát, đưa hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố theo hướng văn minh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ tháng 8-2017, Hà Nội đã triển khai Đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội". Sau 2 năm hoạt động, đề án đã thu được kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn có cơ sở bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục trước khi đề án được chính thức triển khai, nhân rộng.
Vẫn còn những "hạt sạn"
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến hết tháng 9-2019, trên địa bàn 12 quận nội thành Hà Nội có 798 cửa hàng kinh doanh trái cây được gắn biển nhận diện "Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn". Trong đó, có 756/798 cửa hàng (94,74%) có thiết bị giám sát chất lượng trái cây, 100% cửa hàng có quầy, kệ trưng bày, 753/798 cửa hàng (94,36%) có trang thiết bị vận chuyển trái cây... Hệ thống cửa hàng này đạt tiêu chuẩn, rất đáng tin cậy cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khảo sát tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trong danh sách đề án thí điểm tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ... vẫn còn một số vấn đề đáng lưu tâm. Trong số nhiều cửa hàng tiện ích tại các phố Trung Kính, Trần Quý Kiên, Trần Đăng Ninh... (quận Cầu Giấy) đều không tìm thấy biển nhận diện "Cửa hàng trái cây an toàn".
Một nhân viên cửa hàng tại ngõ 12 phố Trần Quý Kiên lý giải: Do công ty triển khai nhiều chương trình nên các biển quảng cáo thay đổi thường xuyên và dán chồng lên nhau. Biển nhận diện lại làm bằng chất liệu không bền nên chỉ sau vài lần mưa hoặc xịt nước rửa kính là bong tróc (!?). Hoặc tại cửa hàng số 28 phố Quán Thánh (quận Ba Đình), biển nhận diện treo khuất nên người tiêu dùng không nhìn thấy.
Chị Nguyễn Thị Chinh, sống tại phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy) cho biết: Tôi cho rằng các đơn vị nên công bố, dán danh sách cửa hàng có gắn biển nhận diện tại khu vực nơi dân cư sinh sống để người dân được biết.
Tương tự, một số cơ sở còn bày bán hoa quả lộn xộn, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại cửa hàng số 24 và 28 phố Quán Thánh, hoa quả thậm chí còn được bày la liệt trên vỉa hè. Cách sắp xếp trái cây của hộ kinh doanh số 175 Trung Kính (quận Cầu Giấy), 28 phố Quán Thánh... bừa bộn; thùng các tông, thùng xốp chất đống ở cửa ra vào và ngay trên vỉa hè. Cửa hàng thực phẩm ở LK 27-6A Khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông), số 176 Nguyễn Đổng Chi (quận Nam Từ Liêm)... cũng bày hàng hóa lộn xộn, hoa quả không bảo quản đúng quy định.
Về thực tế trên địa bàn quận Thanh Xuân, bà Phạm Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận cho biết, quận đã cấp biển nhận diện cho 106/106 cửa hàng. Trong quá trình thực hiện, một số cửa hàng không hợp tác để đưa vào danh sách quản lý vì không muốn thực hiện các thủ tục pháp lý.
Trong khi đó, ông Dương Việt Hùng, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cũng cho biết, hiện quận có 41/41 cửa hàng được gắn biển nhận diện. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính với hành vi không ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm của các cửa hàng nên chưa phát huy hết hiệu quả của đề án.
Qua trao đổi của phóng viên Báo Hànộimới, đại diện nhiều UBND quận đề nghị Sở Công Thương Hà Nội tăng cường công tác truyền thông, công bố, niêm yết danh sách cửa hàng gắn biển nhận diện tại các khu vực dân cư sinh sống. Ngoài ra, các địa phương kiến nghị việc treo biển nhận diện cần có quy trình hậu kiểm của cơ quan chức năng.
Để đề án thực sự đi vào cuộc sống...
Về những hạn chế trong thực hiện đề án, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, cán bộ làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm tại các phường, quận còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nên hạn chế về kiến thức chuyên môn. Trong khi đó, nguồn cung cấp trái cây vào thành phố được hình thành qua rất nhiều kênh: Đường hàng không, đường bộ, các chợ đầu mối... nhưng lực lượng kiểm tra lại mỏng nên việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn gặp khó khăn.
Để đề án thực sự đi vào cuộc sống, theo ông Dương Việt Hùng, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ, các phòng, ban chức năng của quận sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, lưu thông trái cây trên thị trường nhằm phát hiện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.
Nhấn mạnh về giải pháp, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, Sở đã đề nghị UBND các quận tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đề án.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, giải tỏa các trường hợp kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Các đơn vị cũng cần tiếp tục rà soát quỹ đất trống, nhất là tại chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh.
Dự kiến tháng 12-2019, cơ quan chức năng sẽ cấp biển nhận diện cho những cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện tại các chợ đầu mối và chợ có tính chất đầu mối. Như vậy, việc khắc phục những hạn chế nêu trên là rất cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống cửa hàng bán trái cây an toàn và duy trì nét văn minh trong thương mại.
Tiêu chí để được cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” là: Cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh còn hạn theo quy định; cải tạo, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.