Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dẹp cửa hàng kinh doanh trái cây không an toàn

Kim Vũ| 07/02/2023 06:11

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 14-KH/UBND về triển khai Đề án "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025". Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng, kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ... Đây chính là tin vui cho người tiêu dùng khi mà trên thực tế, các loại hình kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố vẫn còn rất lộn xộn, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người dân lựa chọn trái cây ở một điểm kinh doanh bên ngoài chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Các loại trái cây đều "xuống phố"

Khảo sát thực tế đầu tháng 2 dọc các tuyến đường phố Hà Nội trong buổi chiều hằng ngày, các loại trái cây đều "xuống phố" để mời chào người tiêu dùng. Điển hình, ngay tại vỉa hè trước cổng chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) có khoảng 10 cửa hàng kinh doanh trái cây. Tại các cửa hàng này tuyệt nhiên không có nhận diện thương hiệu sản phẩm, không có tem bảo hành, nguồn gốc xuất xứ.

Tương tự, vào các buổi chiều hằng ngày, từ Nghĩa trang Mai Dịch nối tới số 136 Hồ Tùng Mậu (địa bàn giáp ranh giữa các quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm) thường xuyên có khoảng 10 xe đẩy bán các loại trái cây. Tại đây, nhiều người vội vã mua hoa quả rồi nhanh chóng phóng đi, không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Còn tại nút giao phố Cầu Mới (quận Đống Đa), đoạn giao từ đường Nguyễn Trãi đến ngã ba giáp đường Láng, hơn chục tiểu thương cũng bày bán các loại trái cây bất chấp tấm biển "cấm bán hàng" ngay cạnh. Những chiếc xe chở đầy trái cây đều không được che đậy, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đáng nói, nhiều người còn bất chấp nguy hiểm, tính mạng của bản thân thường xuyên bán ổi ngay trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm. Từ lâu, người bán hàng biến làn dừng khẩn cấp của tuyến cao tốc này thành nơi buôn bán ổi, trong khi nơi đây có rất nhiều phương tiện di chuyển, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.527 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó có 458 cửa hàng chuyên doanh, 1.069 cửa hàng kinh doanh tổng hợp có trái cây. UBND các quận, huyện, thị xã đã cấp biển nhận diện cho 849 cửa hàng. Như vậy, toàn thành phố có gần 900 doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh trái cây, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng trái cây an toàn của người dân lớn nhưng số cửa hàng an toàn vẫn chưa "phủ sóng" toàn diện.

Trái cây bày bán trên lối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua địa bàn huyện Gia Lâm. Ảnh: Dung Nhi

Kiên quyết giải tỏa

Thời gian qua, thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025", các địa phương đã từng bước cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, song quá trình thực hiện đề án vẫn gặp khó khăn nhất định. Đó là tình trạng một số bộ phận chủ cơ sở kinh doanh chưa hợp tác với người khảo sát, điều tra, chưa cung cấp thông tin về hoạt động kinh doanh của cơ sở, số điện thoại… Đáng nói, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen "tiện đâu mua đấy", không hoặc ít quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ, chất lượng trái cây, thực tế vẫn mua tại các địa điểm kinh doanh vỉa hè không có thiết bị bảo quản và xác định nguồn gốc.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam, đến nay, quận có 116 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp các loại giấy tờ về an toàn thực phẩm, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; 108/116 cửa hàng có dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây. Để thực hiện tốt mục tiêu đề án, quận tiếp tục duy trì kiểm tra, kiểm soát tuyến phố Nguyễn Hoàng (phường Mỹ Đình 2) là tuyến phố đăng ký không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Năm 2023, quận triển khai tiếp tại tuyến phố Hàm Nghi và tuyến phố Nguyễn Cơ Thạch. Đồng thời, chỉ đạo các phường tiếp tục đăng ký, mở rộng các tuyến phố văn minh, không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè trên địa bàn.

Tương tự, theo UBND quận Hoàng Mai, bên cạnh việc tổ chức cấp biển nhận diện, công khai danh sách các cửa hàng kinh doanh trái cây bảo đảm an toàn, quận cũng công khai các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nắm rõ. Ngoài ra, chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 15 phối hợp UBND các phường, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, giải tỏa các trường hợp kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; kiên quyết không để tái diễn vi phạm.

Quyết tâm dẹp bỏ triệt để các điểm kinh doanh trái cây không an toàn trên đường phố của UBND thành phố Hà Nội là rất phù hợp với thực tế hiện nay. Điều này cho thấy sự cần thiết hành động của không chỉ các cán bộ quản lý về kinh doanh trái cây mà cần sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong việc chống lấn chiếm hè, lòng đường để kinh doanh trái cây. Chỉ khi nào tất cả các cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện thương hiệu thì mới có thể "xóa sổ" được các cửa hàng kinh doanh trái cây không an toàn trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp cửa hàng kinh doanh trái cây không an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.