Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý chặt kinh doanh trái cây

Thế Văn| 01/03/2023 06:41

(HNM) - Hà Nội quyết tâm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, cũng như nâng cao năng lực kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và xóa bỏ các địa điểm kinh doanh trái cây không an toàn, mất trật tự đô thị…

Việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh trái cây đã được triển khai từ nhiều năm trước nhưng kết quả không rõ nét. Do vậy, vấn đề lúc này không chỉ là trách nhiệm vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà còn là một hệ thống giải pháp đồng bộ.

Dọc ngang phố xá đến các làng quê, việc kinh doanh trái cây trên địa bàn Hà Nội khá đa dạng từ xe kéo, thúng mủng, bày bán ở vỉa hè, lòng đường đến các cửa hàng tiện ích, siêu thị… với đủ loại mẫu mã, chất lượng khác nhau. Do vậy, việc quản lý an toàn thực phẩm đối với việc kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi có tình trạng “thả nổi”, nhiều loại trái cây sử dụng hóa chất duy trì độ tươi “trôi nổi” trên thị trường gây nhiều hệ lụy. Trong khi đó nhiều người dân vẫn “tiện đâu mua đấy”, chưa chú trọng nguồn gốc xuất xứ trái cây nên vô tình “tiếp tay” cho việc kinh doanh thiếu trách nhiệm, không an toàn.

Kể ra như vậy để thấy siết chặt quản lý việc kinh doanh trái cây là cần thiết và cấp thiết. Với Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2023”, bên cạnh việc tăng cường các giải pháp kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây gây mất trật tự đô thị, thành phố Hà Nội đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: 100 cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố được cấp biển nhận diện “cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn”…

Gốc của vấn đề là đưa trái cây “sạch” đến với người tiêu dùng Thủ đô. Do vậy cốt lõi là phải hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất cung ứng trái cây an toàn kết hợp với phát triển nông nghiệp hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ trong chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho các mặt hàng trái cây trên thị trường. Song hành là tăng cường các giải pháp hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các nhãn hiệu, thương hiệu trái cây an toàn của Thủ đô.

Cùng với việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương trong kiểm tra, giám sát lấy mẫu các loại trái cây, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật cũng như giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường..., ngành Nông nghiệp cần thúc đẩy các hoạt động giám sát cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Mặt khác là đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng như cấp biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây bảo đảm các điều kiện quy định.

Điều quan trọng nhất là triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh, người kinh doanh trái cây với cộng đồng; đồng thời nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, trước hết vì sức khỏe của chính mình và gia đình, từ đó không “tiếp tay” cho việc sử dụng chất cấm, kinh doanh trái cây “bẩn”. Để hoạt động kinh doanh trái cây đi vào nền nếp, theo hướng văn minh, hiện đại, cần sự “vào cuộc” của cơ quan quản lý, người kinh doanh và cả cộng đồng tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý chặt kinh doanh trái cây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.