(HNM) - Những năm gần đây, thông tin thống kê của Hà Nội được công bố ngày càng nhiều với chất lượng và độ tin cậy từng bước được nâng lên, đáp ứng mục tiêu hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất, thông suốt và hiệu quả, phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, công tác thống kê đứng trước nhiều khó khăn thách thức nên vẫn có những hạn chế, bất cập; có lúc, có nơi thông tin chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; "căn bệnh" thành tích còn tồn tại ở một số ngành, lĩnh vực... làm ảnh hưởng đến độ tin cậy của thông tin vốn là cơ sở để xây dựng các chủ trương, chính sách của thành phố. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Khải - Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội, về những nội dung liên quan.
Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội Đỗ Ngọc Khải. |
Chất lượng số liệu là mục tiêu hàng đầu
- Thưa ông, chênh lệch số liệu ở một số chỉ tiêu thống kê là “nỗi niềm” của những người làm công tác này trong nhiều năm qua. Vậy việc nâng cao chất lượng số liệu thống kê được thể hiện như thế nào trong công tác thống kê của thành phố hiện nay?
- Trong những năm qua, ngành thống kê Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng trong việc cung cấp những thông tin kinh tế - xã hội phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành. Ngày 27-4-2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội. Việc nâng cao chất lượng số liệu thống kê là mục tiêu của kế hoạch này nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người sử dụng dữ liệu cả về chất lượng và thời gian; bảo đảm thực hiện đúng phương châm mà ngành thống kê Hà Nội đã đề ra là: Biên soạn và phổ biến thông tin “trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời và đa dạng”; phổ biến rộng rãi về trách nhiệm và nghĩa vụ về việc cung cấp thông tin của người dân và các tổ chức cho cơ quan thống kê; nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm của cán bộ ngành thống kê và các cộng tác viên...
- Để đạt được những mục tiêu nêu trên, thành phố đã chỉ đạo triển khai Kế hoạch 66/KH-UBND như thế nào, thưa ông?
- Kế hoạch số 66/KH-UBND có thời gian thực hiện tương đối dài nên UBND thành phố yêu cầu Cục Thống kê Hà Nội, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, có trách nhiệm tham mưu giúp UBND thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, tổng hợp, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chiến lược phát triển thống kê trên địa bàn thành phố theo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Lãnh đạo các sở, ngành của thành phố, lãnh đạo UBND quận, huyện cần tăng cường việc quán triệt tới đội ngũ cán bộ trong ngành; động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thống kê; đồng thời phối hợp với Cục Thống kê Hà Nội thực hiện tốt việc triển khai kế hoạch trên địa bàn thành phố.
- Trước đây, ngành thống kê đã có nhiều cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện nhiệm vụ và thu được nhiều kết quả khả quan. Song để việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng hiệu quả, Cục Thống kê Hà Nội đã triển khai công tác này như thế nào?
- Cục Thống kê Hà Nội là một trong những đơn vị được trang bị máy móc, thiết bị công nghệ thông tin khá đồng bộ và tiên tiến; hiện có khoảng 190 máy vi tính, hệ thống máy chủ công suất lớn, cùng các thiết bị lưu trữ và phụ trợ khác. Cục đã có kết nối mạng internet và mạng nội bộ (LAN) với toàn bộ các phòng; bảo đảm cho hoạt động trao đổi thông tin trên mạng giữa các đơn vị thuộc Cục được duy trì thường xuyên, thông suốt và có hiệu quả. Với năng lực và trang thiết bị như trên, Cục đã tổ chức tổng hợp và phân tích toàn bộ khối lượng thông tin đồ sộ của các cuộc điều tra lớn. Quy trình kiểm tra, giám sát nhập tin và xử lý kết quả cũng được tiến hành chặt chẽ như đối với khâu điều tra thống kê. Sau khi kiểm tra, sửa lỗi phiếu, tài liệu sẽ được đánh mã, phân loại, người nhập tin sẽ tiến hành đồng thời nhập vào nhiều máy tính trạm, chạy chương trình kiểm tra lỗi và sửa lỗi dưới sự giám sát của cán bộ nghiệp vụ và cán bộ máy tính. Kết quả tổng hợp toàn bộ sẽ được đối chiếu so sánh và sửa lỗi lần cuối cùng và tổng hợp chính thức. Quy trình này bảo đảm số liệu điều tra được tổng hợp chính xác trong thời gian ngắn nhất.
Khắc phục “bệnh” thành tích
- Có một số ý kiến đánh giá, số liệu thống kê địa phương còn thiếu độ tin cậy, mà điển hình là GDP địa phương cao hơn GDP trung bình cả nước. Ông nhận xét gì về vấn đề này và vì sao lại có những hạn chế như vậy?
- Đúng là GRDP của từng địa phương cộng lại thì cao hơn của trung ương tính. Theo tôi có những nguyên nhân như sau: Một là, việc xác định đơn vị thường trú của từng địa phương là khó, dẫn đến việc thu thập thông tin chia theo từng địa phương còn bị tính trùng, ví dụ như đối với các đơn vị hạch toán toàn ngành, các công trình xây dựng, các chi nhánh công ty hoạt động tại các tỉnh… Hai là, “bệnh” thành tích trong các chỉ tiêu thống kê của các địa phương, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khiến cho các địa phương tính không theo một phương pháp thống nhất, thường tính chỉ số giảm phát của địa phương mình rất thấp so với thực tế. Ba là, nguồn thông tin để tính các ngành dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ như y tế, giáo dục, văn hóa… không đầy đủ nên số liệu ước tính thường cao…
- Vậy Cục Thống kê thành phố Hà Nội đã làm thế nào để khắc phục “căn bệnh” trên, thưa ông?
- Đối với Thủ đô Hà Nội, Cục Thống kê không chạy theo thành tích, việc tính toán chỉ tiêu GRDP luôn tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Tổng cục thống kê (TCTK). Tuy nhiên, việc tính chỉ tiêu của các doanh nghiệp xây dựng còn hơi cao, do chưa tách được phần các công trình xây dựng tại các tỉnh, thành… Năm vừa qua, TCTK đã kiểm tra số liệu tính GRDP năm 2011 của Cục, kết quả số liệu do Cục Thống kê Hà Nội tính tương đối sát với kết quả của TCTK công bố. Nếu có chênh lệch chủ yếu do phần xây lắp và phần số liệu của các ngành khi hạch toán toàn ngành.
- Cục đã làm gì để nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin thống kê nhà nước đã được công bố công khai?
- Chúng tôi đã xuất bản ấn phẩm Niên giám thống kê về số liệu kinh tế - xã hội hàng năm và báo cáo kinh tế - xã hội hàng tháng. Đồng thời, từ ngày 22 đến 26 hằng tháng, Cục Thống kê Hà Nội đăng tải thông tin kinh tế - xã hội chủ yếu trên bảng tin điện tử (bảng LED) tại trụ sở cơ quan Cục. Mặt khác, chúng tôi cũng thường xuyên cung cấp cho các đối tượng dùng tin khác khi có nhu cầu, ví dụ như cung cấp chỉ số giá tiêu dùng, GRDP, vốn đầu tư…
Bảo đảm khách quan, trung thực
- Nhằm bảo đảm khách quan, không trùng lắp, chồng chéo giữa các cuộc điều tra, báo cáo; tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ thống kê được thể hiện như thế nào, thưa ông?
- Để tránh trùng lắp, chồng chéo giữa các cuộc điều tra, báo cáo, ngoài các cuộc điều tra do TCTK quy định, hàng năm, Cục chủ động xây dựng kế hoạch một số cuộc điều tra mở rộng mẫu đến cấp huyện đối với các công việc do thành phố yêu cầu, từ đó tiết kiệm được kinh phí, đồng thời đáp ứng tốt hơn yêu cầu thông tin.
- Cục Thống kê Hà Nội có biện pháp gì để thống nhất về chỉ tiêu, biểu mẫu, phương pháp tính, bảng phân loại, đơn vị đo lường, niên độ thống kê và bảo đảm so sánh quốc tế?
- Cục đã xây dựng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, bảo đảm các nguyên tắc thống nhất về chỉ tiêu, biểu mẫu, phương pháp tính, bảng phân loại... trong các chế độ báo cáo cũng như các cuộc điều tra thống kê.
- Việc công khai về phương pháp thu thập, tổng hợp, công bố thông tin thống kê được thực hiện như thế nào?
- Việc công khai phương pháp thu thập, tổng hợp, công bố thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các phiếu điều tra cũng như trong các phương án do TCTK quy định.
- Làm thế nào để các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin trung thực cho cơ quan thống kê nhà nước biết rằng những thông tin của mình không bị tiết lộ, thưa ông?
- Theo Luật Thống kê, các thông tin của cá nhân, tổ chức cung cấp được bảo mật theo quy định và chỉ được dùng để tổng hợp chung cho cả địa bàn điều tra, không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác. Cục Thống kê Hà Nội đã quán triệt đến toàn thể cán bộ không vi phạm Luật Thống kê và chưa bị một cá nhân hoặc tổ chức nào kiện.
Đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế
- Ông có thể cho biết những khó khăn về nhân lực cho công tác thống kê và Cục đã có những giải pháp gì để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ thống kê?
- Nhằm từng bước thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực làm công tác thống kê, Cục Thống kê Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo về nghiệp vụ thống kê, hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo thống kê cho cán bộ thống kê cơ quan Cục và các Chi cục Thống kê quận, huyện, đặc biệt chú trọng đào tạo cho cán bộ trẻ, mới tuyển dụng. Nhằm tăng cường, nâng cao năng lực phân tích dự báo thống kê cho cán bộ. Đầu năm 2014, Cục đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho đối tượng là lãnh đạo các đơn vị và các cán bộ viết báo cáo tổng hợp.
- Sự phối hợp từ các sở, ngành, địa phương trong việc nâng cao nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ làm công tác thống kê được thực hiện như thế nào để có hiệu quả, thưa ông?
- Do ý thức chấp hành của người dân và các tổ chức, các doanh nghiệp chưa cao, nên thông tin ban đầu thu thập qua chế độ báo cáo và điều tra thường không đầy đủ, mức độ chính xác cũng chưa cao và không đúng với thời hạn yêu cầu. Một số ngành chưa nhận thức được đúng tầm quan trọng của thông tin thống kê đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nên chưa có sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành của thành phố với ngành thống kê. Vẫn còn có tình trạng số liệu cung cấp ra của ngành thống kê và các ngành chưa thống nhất. Việc khai thác, sử dụng các nguồn số liệu sẵn có từ các ngành phục vụ cho công tác thống kê còn nhiều hạn chế.
- Vậy Cục sẽ làm gì để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia thống nhất, thông suốt và hiệu quả, phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế?
- Căn cứ vào mục đích của Kế hoạch số 66/KH-UBND, Cục Thống kê Hà Nội sẽ tăng cường nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thống kê, năng lực triển khai các hoạt động thống kê của hệ thống tổ chức thống kê cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê kinh tế, xã hội của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, vị trí của công tác thống kê, các đơn vị tự giác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động thống kê.
- Theo ông, để chất lượng công tác thống kê ngày càng được cải thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, công tác thống kê ở Hà Nội phải có những giải pháp đổi mới như thế nào về cơ chế, chính sách?
- Ngành thống kê Hà Nội đã áp dụng các phương pháp thu thập, tính toán thống kê theo đúng hướng dẫn của cơ quan cấp trên, phù hợp với thông lệ quốc tế như: Phương pháp tính tổng sản phẩm trên địa bàn theo hệ thống tài khoản quốc gia (SNA), phương pháp tính chỉ số sản xuất công nghiệp IIP, phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng CPI… Đồng thời hằng năm, Cục Thống kê Hà Nội tổ chức thực hiện các cuộc điều tra thống kê chuyên ngành theo đúng phương án và phương pháp thống kê. Do đó, số liệu thống kê hầu như đã khắc phục được những điểm bất cập, hạn chế; đáp ứng kịp tiến trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.