Sáng 11-10, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham gia của hơn 150 đại biểu là những chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hội thảo nhằm làm sáng tỏ, hệ thống hóa khái niệm, mục đích, đặc trưng của truyền thông chính sách về đa văn hóa; đồng thời tìm hiểu thực trạng, mô hình truyền thông chính sách về đa văn hóa tại Việt Nam, Hàn Quốc và trên thế giới.
Tại hội thảo, PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, truyền thông về chính sách nói chung và truyền thông về đa văn hóa nói riêng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Thực tiễn chứng minh, truyền thông chính sách ở nước ta đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là kênh thông tin hữu hiệu để các cơ quan chức năng kịp thời lắng nghe ý kiến góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách.
Tuy nhiên, truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về đa văn hóa nói riêng ở Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế và bất cập.
Với hơn 50 tham luận cùng các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã tập trung nêu bật những điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề truyền thông chính sách về đa văn hóa và việc vận dụng những quan điểm này trong thực tiễn truyền thông; Thực tiễn, cơ hội và thách thức đặt ra đối với truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, Hàn Quốc cũng như một số nước trên thế giới.
Ngoài ra, các tham luận còn nêu những kinh nghiệm, cách làm hay, thực tiễn tốt tại Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia khác trong hoạt động truyền thông chính sách về đa văn hóa; từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách về đa văn hóa…
Hội thảo chia làm 2 phiên thảo luận, trong đó phiên 1 “Lý luận truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Trong phần này, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Tăng cường hoạt động truyền thông về bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh giao lưu đa văn hóa; Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã định hình các gia đình văn hóa như thế nào?; Truyền thông chính sách về đa văn hóa ở Việt Nam và những vấn đề mang tính định hướng của các chuyên gia trong và ngoài nước...
Phiên 2 “Kinh nghiệm và thực hành tốt trong truyền thông chính sách về đa văn hóa”. Các đại biểu thảo luận về chủ nghĩa thể chế trong nền kinh tế như một văn hóa; Truyền thông chính sách Hàn Quốc: Trải nghiệm, dấu ấn và gợi ý cho truyền thông chính sách Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Truyền thông về đa dạng văn hóa với tư cách là một giá trị quan trọng của sức mạnh mềm quốc gia Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.