(HNM) - Tuy chưa có kết quả cuối cùng do Bộ GD-ĐT công bố nhưng qua số liệu chính thức của hầu hết các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tiếp tục đà tăng như vài năm gần đây.
Tổng hợp số liệu ở các địa phương đã công bố, trong số 56.059 em dự thi thì 55.043 em đã đỗ tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ 98,18 % (năm ngoái là 96,7%). Hệ giáo dục thường xuyên cũng có 80,25% em đỗ tốt nghiệp. Trong số các tỉnh đã công bố, Hưng Yên có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất 99,99%, nghĩa là 1.000 em dự thi, chỉ có một em không tốt nghiệp. Ngay Bắc Giang là nơi diễn ra chuyện gian lận, vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong thi cử (ném bài giải, mang tài liệu từ ngoài vào; trao đổi bài ngang nhiên, nghe điện thoại di động trong khu vực thi,,,) chấn động cả nước là trường THPT dân lập Đồi Ngô cũng có đến 78,89% em tốt nghiệp trong bình quân cả tỉnh 90,4%. Sau khi vụ việc tiêu cực ở hội đồng thi này vỡ lở, Sở GD-ĐT tỉnh đã huy động một lực lượng giáo viên giỏi để chấm thi nhưng sau mấy ngày chấm, hội đồng thi này đã "không phát hiện bài thi nào vi phạm quy chế đến mức phải hủy". Tỷ lệ thí sinh khá và giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay tăng khá nhanh. Tính đến nay, đã có hàng trăm trường có 100% thí sinh đỗ tốt nghiệp: Hải Phòng có 41/56 trường, Lai Châu có 8 trường, Đà Nẵng có 10/20 trường, Lâm Đồng có 28/58 trường, Quảng Trị có 13/42 trường; Đồng Nai có 36 trường và 3 trung tâm; Đồng Tháp 25/44 trường…
Nghe thông tin về tỷ lệ tốt nghiệp ở các hội đồng thi rất cao, lẽ ra phải mừng, nhưng không khí hình như ngược lại. Tuy không có chứng cứ (và làm sao có chứng cứ được) nhưng ai cũng chung một cảm giác kết quả này cao hơn rất nhiều chất lượng thực ở bậc THPT và giáo dục thường xuyên hiện nay. Người ta cũng nghĩ rằng đến kết quả thi còn như vậy thì sự việc ở hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô chắc không phải là cá biệt và cách xử lý sự việc này theo hướng khỏa lấp, xuê xoa là khá rõ ràng. Bệnh "thành tích và gian lận trong thi cử" sau một vài kỳ thi tạm lắng đã trở lại, ngang nhiên và táo tợn hơn trước. Người ta nghi ngờ kết quả của kỳ thi và không dừng ở đó, người ta thất vọng về những cố gắng chống tiêu cực của ngành giáo dục qua những kỳ thi kiểu như thế này!
Trong việc dạy và học, nhất là trong các kỳ thi cử, trước hết phải dựa vào sự vô tư, minh bạch và nhất là lương tâm của những nhà quản lý, những người trông coi thi, những người chấm thi rồi mới đến các biện pháp khác. Vậy ý thức trách nhiệm của những người cầm cân nảy mực trong ngành giáo dục, cấp ủy và chính quyền địa phương phải được đặt lên hàng đầu. Nếu những người này còn chạy theo thành tích, "con gà tức nhau tiếng gáy" hoặc chặc lưỡi "Cả làng cùng toét một mình gì em" thì khó có thể hy vọng việc thi cử từ bậc phổ thông đến đại học, kể cả trên đại học có thể công bằng, thực chất được!
Qua kỳ thi năm nay, điều xã hội mong đợi là được đón nhận những kết quả phản ánh trung thực trình độ của thí sinh. Con mình thi đỗ, tất nhiên là mừng nhưng bên cạnh niềm vui còn là niềm tự hào chân chính. Con mình không đỗ, tất nhiên là buồn nhưng không nghi ngờ, oán thán; lấy việc trượt thi làm một bài học để dạy con nên người. Nguyện vọng ấy của người dân tuy nghe đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Ngành giáo dục nghĩ sao?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.