(HNMCT) - Sau nhiều thập niên “đóng băng”, nền du lịch Iran đã khởi sắc trong vòng 10 năm trở lại đây. Lịch sử, văn hóa lâu đời, khung cảnh tuyệt đẹp, con người mến khách và các dịch vụ du lịch chất lượng cao đã và đang kéo hàng chục triệu du khách đến với Iran mỗi năm.
Và nếu bạn đọc qua danh sách những điểm đến thú vị nhất của Iran được các tờ báo quốc tế đăng tải, một cái tên xuất hiện nhiều lần là Isfahan, thủ phủ của tỉnh Isfahan.
"Một nửa thế giới” nằm ở Isfahan
Nằm cách Thủ đô Tehran 406km về phía nam, Isfahan là thành phố đông dân thứ ba Iran - chỉ sau Tehran và Mashhad. Thế nhưng trong lịch sử, đã có thời điểm Isfahan là thành phố lớn nhất thế giới. Thành phố này đã trải qua sự cai trị của không dưới 10 đế chế và thời đại nào cũng để lại một bằng chứng cho sự phồn vinh. Đến nay, Isfahan nổi tiếng với hàng trăm cung điện, nhà thờ, đại lộ, quảng trường, cầu và những đại công trình tráng lệ khác theo lối kiến trúc Hồi giáo Ba Tư. Trên khắp Iran không ai không biết đến câu nói: “Đến thăm Isfahan là đã đi được một nửa thế giới!”.
Hãy bắt đầu chuyến du lịch của bạn từ quảng trường Naqsh-e Jahan tại trung tâm thành phố. Khu di sản thế giới này được quốc vương Abbas I cho xây dựng khi ông chuyển Thủ đô về Isfahan, vì vậy mà quanh Naqsh-e Jahan có nhiều công trình tráng lệ như đền thờ Hồi giáo Masjed-e Shah và Sheikh Lotfollah, cung điện Ali Qapu và khu chợ trong nhà Bazaar Bozorg.
Hai đền thờ Hồi giáo Masjed-e Shah và Sheikh Lotfollah nổi tiếng thế giới nhờ vào những bức tường, mái vòm khảm gốm xanh theo lối kiến trúc Safavid. Bạn có thể mất cả một ngày để nghe hướng dẫn viên du lịch giải thích những truyền thuyết, huyền thoại được vẽ trên những mảnh gốm. Còn tại cung điện Ali Qapu, bạn sẽ có cơ hội được nhìn toàn bộ thành phố từ ban công tầng cao. Thời điểm tuyệt nhất để ngắm thành phố là lúc hoàng hôn mùa hè, khi cái nắng gay gắt đã biến mất và người dân bắt đầu lũ lượt ra khỏi nhà để hóng gió.
Isfahan là nơi giao nhau của nhiều dòng chảy nhỏ thành con sông Zayanderud, nên không khó để gặp một cây cầu trong nội thành. Một số công trình có lịch sử hơn 3 - 4 thế kỷ, tiêu biểu là cầu Si-o-se Pol. Theo tiếng Ba Tư, Si-o-se Pol có nghĩa 33 nhịp cầu. Cầu được xây dựng từ năm 1599 - 1602. Tuy chỉ được xây bằng gạch nung và vôi, nhưng nhờ kỹ năng xây dựng của người Iran mà cây cầu đến nay vẫn gần như nguyên vẹn. Khoảng đất dưới chân cầu là địa điểm tụ tập nổi tiếng của người dân địa phương và du khách. Đêm xuống, có rất nhiều hàng quán được mở phục vụ người xem biểu diễn xiếc, âm nhạc ngoài trời.
Nền văn hóa, lịch sử phong phú
Isfahan có truyền thống âm nhạc lâu đời và phong phú. Nhiều điệu nhạc, điệu múa truyền thống của Iran có nguồn gốc từ thành phố này. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về lịch sử âm nhạc Isfahan, hãy đến Bảo tàng Âm nhạc Isfahan, ngôi nhà của hơn 300 loại nhạc cụ đặc trưng của vùng Trung Đông và Nam Á.
Cung điện Chehel Sotoun (mang nghĩa “40 cây cột” trong tiếng Ba Tư) được xây dựng dưới thời quốc vương Abbas I để đón tiếp đại sứ và các vị khách quý nước ngoài. Ngày nay, Chehel Sotoun là một khu di tích mở cửa cho du khách. Đến đây, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu về lịch sử Isfahan nói riêng và lịch sử Iran nói chung thông qua những bức bích họa trên gốm khảm tường và trần nhà. Những sự kiện lịch sử như lễ đăng quang của quốc vương Abbas II hay trận chiến Chaldiran giữa Iran và đế chế Ottoman đã được các nghệ nhân công phu vẽ lên từng mảnh gốm trước khi đem tráng men và gắn vào tường.
Tuy là quê hương của rất nhiều công trình tôn giáo quan trọng đối với Hồi giáo, Isfahan cũng là một thành phố của sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa. Cách đây nhiều thế kỷ, những thương nhân từ vùng Balkan, Israel, Trung Phi đã ở lại, lập gia đình và làm ăn tại một trong các trung tâm thương mại lớn của Trung Đông. Ngày nay, hậu duệ của họ là một phần của những cộng đồng chiếm vai trò quan trọng tại Isfahan. Bạn hãy cố gắng dành một chút thời gian đến thăm khu phố của người Armenia tại quận New Julfa và khu của người Do Thái trên phố Dardasht. Hai cộng đồng này vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc họ.
Để kết thúc chuyến du lịch tại Isfahan, tốt nhất là thử cắm trại qua đêm bên cạnh đền thờ Atashgah. Nơi đây từng là đền thờ thần lửa của Hỏa giáo (Zoroastrianism), một trong những tôn giáo cổ xưa nhất thế giới, hiện đã không còn tồn tại. Sau khi đi thăm hệ thống đường hầm chằng chịt phía dưới đền, bạn hãy ra ngoài và dựng trại giữa sa mạc. Đêm sa mạc lạnh cóng, từng nhóm người co cụm lại bên đống lửa, ngồi nghe hướng dẫn viên kể về truyền thuyết địa phương xoay quanh ngôi đền trong khi thưởng thức trà thảo mộc Damnoosh truyền thống của Iran. Chắc chắn ký ức về một đêm giữa sa mạc sẽ đi theo suốt cuộc đời bạn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.