Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi tất yếu

Thế Văn| 05/02/2021 06:04

(HNM) - Dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” có nhiều điểm mới, trong đó nhấn mạnh việc tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Thực tế, tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng nông thôn bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Đây cũng là mục tiêu, đích đến nhằm cải thiện đời sống người nông dân - chủ thể của tiến trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn đầu tư; trình độ kỹ thuật, công nghệ; thương hiệu, thị trường; quy hoạch; hạ tầng kỹ thuật; liên kết vùng, thu hút doanh nghiệp… Chưa kể, diện tích đất nông nghiệp cho mỗi hộ nông dân không nhiều và manh mún cũng là một rào cản cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. 

Do đó, dự thảo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội, đang được lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện, có nhiều điểm mới đột phá hứa hẹn không chỉ hóa giải những khó khăn, thách thức nêu trên mà còn mở cánh cửa phát triển bền vững cho “tam nông”, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.

Nội dung trước hết là cùng với việc triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tích tụ đất đai, phá thế manh mún, các cơ quan chức năng, địa phương của thành phố cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, trên cơ sở đó xác định những dự án ưu tiên để triển khai đầu tư hạ tầng. Từ đó xây dựng các vùng sản xuất tập trung áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển chuỗi nông sản thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Song hành là việc thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng lớn, chất lượng cao. 

Mặt khác là cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất - từ kinh tế hộ sang kinh tế liên kết sản xuất hàng hóa qua việc phát triển các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Trong đó chú trọng việc phát triển các trang trại gia đình trong hợp tác xã, doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Và đặc biệt quan trọng là việc nâng cao trình độ kỹ thuật, tính chuyên nghiệp cho người nông dân để làm nông nghiệp một cách bài bản.

Giai đoạn tới, các cơ quan hoạch định chính sách cũng cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng: Nhà nước tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển các cụm nông nghiệp - công nghiệp; đồng thời có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa chuỗi nông, lâm, thủy sản phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; ưu tiên các chương trình, dự án đầu tư phát triển cây giống, con giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn là hướng đi tất yếu và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển nhanh, bền vững mà còn đáp ứng nguyện vọng cũng như lợi ích trực tiếp của người nông dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.