Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực phát triển kinh tế nông thôn

Nguyễn Mai| 17/02/2023 07:31

(HNM) - Hà Nội vừa có thêm 4 làng được công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội". Như vậy, đến thời điểm này, thành phố đã công nhận được 321 làng nghề, làng nghề truyền thống. Các làng nghề đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống ở các địa phương.

Sản xuất bánh truyền thống tại làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì).

Làm giàu trên chính quê hương

Làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) vừa được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. Làng có nghề làm bánh, kẹo, bánh trung thu, bánh chả, bánh vừng vòng… truyền thống.

Theo ông Hoàng Văn Tươi, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Tiến Dũng - Vĩnh Thịnh Long, từ năm 1965, nhiều người dân ở Nội Am đi làm trên các tiệm bánh ở phố cổ Hà Nội, học được nghề và truyền lại cho con cháu để phát triển kinh tế. Trong 15 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh, kẹo phát triển đem lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Hiện nay, Nội Am có 183/728 hộ làm bánh, kẹo, bánh trung thu truyền thống; số lao động làm nghề là 282 người, chiếm 20% tổng số lao động trong độ tuổi trên địa bàn. Thu nhập bình quân của người làm nghề đạt gần 70 triệu đồng/năm.

Theo Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Tạ Duy Đông, từ năm 2021, xã Liên Ninh đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó, làng Nội Am đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa xã Liên Ninh trở thành một điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì.

Người dân làng Phú An, xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) có nghề sản xuất đồ gỗ nội thất. Theo Trưởng thôn Phú An Nguyễn Doãn Hợp, trước năm 1990, dân làng Phú An chủ yếu đi đóng giường, tủ, bàn, ghế, cửa, kệ… cho xưởng mộc ở các địa phương. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận rất lớn, lại sẵn có nghề trong tay, người dân Phú An đã mở xưởng sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình. “Hiện nay cả làng có 161 xưởng sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất, nhờ đó, kinh tế phát triển mạnh nhất xã Thanh Đa”, ông Nguyễn Doãn Hợp cho biết.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), cuối năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận 4 làng đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” là: Làng nghề hoa, cây cảnh Tích Giang (xã Tích Giang) và làng nghề mộc thôn Phú An (xã Thanh Đa) cùng ở huyện Phúc Thọ; làng nghề may Vĩnh Trung (xã Đại Áng) và làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am (xã Liên Ninh) cùng ở huyện Thanh Trì. Như vậy, đến nay, thành phố đã công nhận 321 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống".

Nhiều giải pháp hỗ trợ làng nghề

Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, tại các làng có nghề, lao động có việc làm và thu nhập cao hơn so với các làng thuần nông. Để phát triển làng nghề, bên cạnh nỗ lực của các hộ sản xuất là định hướng từ chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) Tạ Duy Đông cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới phải chuyển dịch được cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, xã Liên Ninh tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ các hộ làng nghề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ sản xuất...

Tuy nhiên, có một thực tế là, quy mô sản xuất ở làng nghề đa số nhỏ lẻ trong khu dân cư nên còn tồn tại không ít vấn đề, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, nguồn nguyên liệu “đầu vào” cho sản xuất thiếu bền vững. Tại làng Phú An (xã Thanh Đa), đa số các hộ sản xuất đồ gỗ nội thất tại gia đình, trong khu dân cư với diện tích mỗi xưởng khoảng 100-450m2 nên khá chật chội; quá trình sản xuất còn phát sinh bụi gỗ, mùi sơn... ảnh hưởng đến môi trường.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến, tạo động lực để làng nghề phát triển, hằng năm, thành phố Hà Nội đều ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các làng nghề… Sở NN&PTNT Hà Nội đã hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể...

Cùng với việc tham mưu cho thành phố xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ, hằng năm, Sở Công Thương Hà Nội đã chọn hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tập trung triển khai nhiệm vụ đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề và tham mưu UBND thành phố Hà Nội cho phép sử dụng địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm...

Các làng nghề phát triển đã và đang tạo thêm nhiều động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.