Nông nghiệp - Nông thôn

Hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông thôn

Nguyễn Mai 22/12/2023 - 06:39

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề; hơn 2.000 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên. Điều đó cho thấy, tiềm năng phát triển sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của Hà Nội rất lớn.

Hiện tại, thành phố đang triển khai xây dựng các trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, phù hợp với thực tế sản xuất và nguyện vọng của người dân, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông thôn.

nong-tho.jpg
Giới thiệu sản phẩm gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Không gian mới cho làng nghề

Ngày 10-2-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch (trung tâm thiết kế sáng tạo) tại các huyện, thị xã của thành phố. Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, xây dựng được các mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo ở các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Duyên Thái (huyện Thường Tín); Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); Duyên Hà (huyện Thanh Trì); Di Trạch (huyện Hoài Đức); Vân Hà (huyện Đông Anh); Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa) và Làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc (quận Hà Đông).

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội được giao đầu mối thực hiện mô hình. Bên cạnh việc tham mưu cho thành phố xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các nội dung của Kế hoạch số 49/KH-UBND để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn biết và đăng ký tham gia.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, gồm có: Không gian trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm; không gian giao dịch, hội thảo là khu vực tổ chức các hoạt động giao dịch, hội thảo nhóm chuyên đề thiết kế sáng tạo sản phẩm; không gian trình diễn, trải nghiệm và thông tin các sản phẩm; không gian chụp ảnh sản phẩm là nơi dàn dựng và chụp các mẫu sản phẩm bảo đảm tính thẩm mỹ cao… Việc ra đời các trung tâm này nhằm hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất, kinh doanh làng nghề phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo; giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Là địa phương được xây dựng mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Tôi đã được đi thăm các trung tâm thiết kế sáng tạo ở Pháp, Nhật Bản, Philippines. Ở đó, tập trung nhiều thành phần, gồm có các nhà hoạch định tổ chức, người làm nghề, nghệ nhân... Hà Nội triển khai xây dựng các trung tâm như vậy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các làng nghề phát triển”.

Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) Đinh Ngọc Dư, xã Chuyên Mỹ có nghề khảm trai nổi tiếng, người dân mong muốn du khách khi đến làng nghề không phải đi đến từng nhà để trải nghiệm, mua sắm, mà chỉ cần đến khu trưng bày là có đủ sản phẩm của làng nghề. Do vậy, việc xây dựng Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch là việc làm cấp thiết.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, từ tháng 2-2023, Sở Công Thương đã có nhiều văn bản tham mưu, thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND. Sở cũng đã phối hợp với các địa phương quận tiến hành khảo sát, xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo trên địa bàn các huyện, thị xã.

Đặc biệt, ngày 14-12-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành bộ Tiêu chí và quy trình đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã. Đây là cơ sở để đánh giá và công nhận mô hình ở các địa phương.

Dưới góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, huyện đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã Chuyên Mỹ quy hoạch, cải tạo, xây dựng trung tâm thiết kế sáng tạo. Huyện và xã đã lựa chọn được vị trí thuận tiện, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mặt bằng để đào tạo, hướng dẫn, tư vấn thiết kế mẫu mã, khu giới thiệu quảng bá sản phẩm của địa phương.

“Do đây là nhiệm vụ mới, nên còn gặp một số khó khăn trong công tác xây dựng tiêu chí đánh giá, xác định các chủ thể quản lý, vận hành… Dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có tiềm năng tham gia hoạt động phát triển tại trung tâm thiết kế sáng tạo còn ít... Những khó khăn này đang được Sở Công Thương; các huyện, thị xã quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ để hoạt động hiệu quả hơn”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm.

Theo kế hoạch đến cuối năm 2024, thành phố Hà Nội sẽ công nhận từ 5 đến 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.