(HNM) - “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là phong trào lớn mang tính toàn dân, toàn diện, với mục đích nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, theo tiêu chí hướng tới nâng cao chất lượng sống cho người dân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa không chỉ là việc xây dựng các danh hiệu gia đình, tổ dân phố... văn hóa, mà còn là việc giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; là tinh thần tương thân, tương ái, thể hiện lòng biết ơn với người có công... Qua phong trào, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển, nhiều lễ hội dân gian được bảo tồn...
Sau 18 năm thực hiện, phong trào đã nhận được sự ủng hộ, tham dự của đông đảo người dân cả nước và thu những kết quả hết sức tích cực. Với Hà Nội, phong trào đã ngấm sâu vào đời sống, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Từ việc tạo dựng thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang... phong trào đã góp phần xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", từng bước nâng tầm văn hóa Hà Nội lên vị thế mới. Phong trào còn giúp Hà Nội vừa bảo tồn những nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống, vừa tiếp thu có chọn lọc văn hóa của thế giới. Cùng với đó, Hà Nội đã tuyên dương kịp thời gương điển hình tiên tiến; triển khai đồng bộ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020", gắn với việc thực hiện hai quy tắc ứng xử...
Thế nhưng, trong sự khởi sắc chung ấy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn cho rằng vẫn còn những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này. Đó là việc bình xét các danh hiệu văn hóa còn hình thức, dẫn đến tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa cao trong khi môi trường văn hóa, đạo đức ở một số nơi lại xuống cấp. Chưa kể, do thiếu sự phối hợp của các bộ, ban, ngành trong thực hiện phong trào nên chất lượng chưa cao... Thế mới có hiện tượng có hộ được công nhận là gia đình văn hóa nhưng tự xấu hổ với danh hiệu được trao, cất danh hiệu thay vì treo ở vị trí trang trọng, tự hào. Đó còn là tình trạng nói tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi, cãi lộn... diễn ra cả trong đời thực lẫn ảo khiến xã hội không khỏi rầu lòng. Làm sao để danh hiệu thực chất, người được trao cảm thấy tự hào và phát huy các giá trị văn hóa, lan tỏa trong xã hội luôn là trăn trở không chỉ với các cơ quan chức năng mà còn với mỗi hộ gia đình.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra, đặc biệt là mới đây, ngày 17-9-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2018/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Việc cụ thể hóa các quy định nhằm đưa việc bình xét, tôn vinh các danh hiệu văn hóa đạt hiệu quả và chất lượng hơn trước. Nghị định còn khắc phục tính hình thức trong xét duyệt bởi các tiêu chí đã được nâng cao chất lượng với cách đánh giá rõ ràng, cụ thể. Ví như, việc bình chọn chỉ được tiến hành khi có từ 60% số người được triệu tập tham dự và tiến hành bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết. Các gia đình, khu dân cư chỉ được tặng giấy khen hoặc công nhận danh hiệu văn hóa khi có từ 60% số người tham gia đồng ý. Rõ ràng, không dễ để vượt qua những "cửa ải" nói trên nếu không thực sự nêu gương, mẫu mực trong khu dân cư.
Khó nhưng thực chất. Khi đó người được khen thực sự tự hào, người chưa được khen cũng "tâm phục, khẩu phục", từ đó có những điều chỉnh trong ứng xử, sinh hoạt hằng ngày. Có lẽ, đó mới thực sự là đích mỗi gia đình và khu dân cư hướng tới, chứ không phải chạy theo phong trào, thành tích hão.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.