Cùng với phát triển kinh tế, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa là vấn đề được đặt ra trong suốt quá trình Hà Nội triển khai xây dựng nông thôn mới.
Hiện tại, thành phố tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, những nét đẹp văn hóa truyền thống được chú trọng bảo tồn, phát triển hài hòa gắn với tiến trình đô thị hóa, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống
Nông thôn Hà Nội hội tụ đủ văn hóa xứ Đoài, Sơn Nam Thượng, Kinh Bắc..., chất chứa nét đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Hồng. Giá trị văn hóa làng xã với những thực thể rõ nét như đình, chùa, miếu mạo… hay những nét đẹp từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã hòa quyện vào văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tạo nên một nền văn hóa đa sắc với hồn cốt, phong cách riêng, được ghi nhận và tôn vinh... Trong những năm qua, câu chuyện giữ “hồn làng”, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương luôn được coi trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Xuân Việt, cán bộ văn hóa - xã hội, UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) là người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa địa phương cho hay, ngoài 3 di tích lịch sử cấp quốc gia: Đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác và đền Văn Hiến..., nét đặc biệt ở Hạ Mỗ là xóm nào cũng có miếu, điếm thờ thổ thần. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều phong tục, tập quán riêng có, như tục “ăn xóm” và “việc làng”. Hằng năm, cứ đến ngày mùng tám, mùng chín tháng Giêng, cả xóm lại tập trung làm lễ cúng thổ thần, ăn cơm đoàn kết, cùng xem xét hương ước cần điều chỉnh, bổ sung để đưa ra trong dịp hội làng, được tổ chức từ ngày 11 đến 13 tháng Giêng hằng năm, để đến Rằm tháng Giêng, sẽ công bố để cả làng cùng thực hiện…
Xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) lại có nét đẹp khác, đó là tổ chức nhà truyền thống để lưu giữ các hiện vật lịch sử của cộng đồng địa phương truyền lại cho các thế hệ sau. Hiện nhà truyền thống - “Bảo tàng làng Yên Mỹ" trưng bày hơn 300 hiện vật, chủ yếu là vật dụng gắn bó với lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, có hiện vật tuổi đời hơn 100 năm, được đóng góp từ hơn 80 cá nhân, như chiếc cối xay thóc thành gạo; xay gạo thành bột, các dụng cụ cày, bừa, dụng cụ sinh hoạt của nhà nông.
Bà Trần Thị Huệ, người trông nom “Bảo tàng làng Yên Mỹ” cho hay, mục đích của bảo tàng là tái hiện cuộc sống lao động, đấu tranh của cha ông để các thế hệ sau này hiểu được đời sống của người dân vùng bãi.
Mới đây, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức chương trình “Trung thu làng cổ” năm 2024, với sự tham dự của 9 thôn. Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo nhấn mạnh, Đường Lâm là xã nông thôn mới đang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các sự kiện văn hóa như chương trình “Trung thu làng cổ” được tổ chức có ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục những nét đẹp đậm đà bản sắc dân tộc ở vùng quê xứ Đoài; đồng thời tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho Làng cổ Đường Lâm, nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Chăm lo đời sống tinh thần
Gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các thôn, làng trên địa bàn thành phố đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang. Công trình được đầu tư không những đáp ứng yêu cầu về hội họp của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân.
Tại nhà văn hóa thôn 6 (xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ), buổi chiều hằng ngày đều có đông người dân tập trung để chơi bóng chuyền hơi.
Ông Bùi Gia Điều (84 tuổi, là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ Bóng chuyền hơi thôn) chia sẻ, nhà văn hóa có 2 sân bóng, chiều nào cũng hơn 40 người cao tuổi ra chơi bóng. Nhà văn hóa thôn 6 cũng là nơi sinh hoạt của câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau với nhiều hoạt động ý nghĩa. Hằng ngày, các thành viên còn gặp gỡ ở nhà văn hóa để trao đổi kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe, thể dục dưỡng sinh, ca hát...
Ông Đặng Văn Mão (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6 xã Vân Phúc) thông tin, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng năm 2015. Từ đó tới nay, đây là nơi tổ chức họp của người dân, chi bộ, các hội, đoàn thể, tiếp xúc cử tri và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao của nhân dân.
Còn theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Quỳnh Lâm, toàn huyện có 129 thôn, làng nhưng có tới 131 nhà văn hóa. Có một số thôn ở xã Song Phượng và xã Trung Châu, mỗi nơi có 2 nhà văn hóa. Huyện Đan Phượng cũng lắp đặt 126 điểm dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời tại các nhà văn hóa thôn, vườn hoa, công viên phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân. Trong 7 năm (từ 2016 đến 2022), toàn huyện đã trích ngân sách 4,78 tỷ đồng hỗ trợ chi phí hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, xây dựng nông thôn mới của thành phố với những công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa đều được đầu tư khang trang... Đặc biệt, trong số 19 tiêu chí của bộ Tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao có 2 tiêu chí liên quan đến lĩnh vực văn hóa, là: Tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa. Đến thời điểm này, toàn thành phố có 2.339 nhà văn hóa/2.362 thôn, đạt tỷ lệ 99,3% số thôn có nhà văn hóa. Ở các thôn, xã ngày càng có nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.