(HNM) - Được ban hành năm 2005, sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2009, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, gây ra những nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại Tờ trình tóm tắt về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo, giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng giáo viên, về chính sách đầu tư cho giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục là cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể hơn là làm sao để giải quyết được những bất cập đang tồn tại như sự quá tải về trường, lớp, chương trình học. Hay làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực và kỹ năng thực hành cho học sinh...
Dự án luật nhắm vào sửa đổi, bổ sung 36 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều. Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án luật này vào chiều 11-6, nhiều đại biểu tiếp tục có những ý kiến tâm huyết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của luật. Hầu hết các ý kiến tập trung phân tích những nội dung cốt lõi như vấn đề sách giáo khoa; đầu tư thế nào cho cấp học mầm non; thu hút người tài học sư phạm bằng cơ chế tiền lương, thu nhập, tạo việc làm cho sinh viên sư phạm khi ra trường hay việc tự chủ trong môi trường sư phạm...
Các ý kiến cũng làm rõ tính khả thi, phân tích những cơ sở thực tiễn. Để lấp đầy những khoảng trống của Luật Giáo dục hiện hành, dự thảo cần có quy định để tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành Giáo dục; sửa đổi các quy định về tuyển sinh sư phạm; bổ sung các điều luật nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục để nhà giáo thực sự “giữ vị thế quan trọng trong xã hội và có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, được xã hội tôn vinh”.
Và để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý theo hướng làm rõ quyền tự chủ (về chuyên môn, về tổ chức, nhân sự và tài chính, tài sản) của cơ sở giáo dục phù hợp với tính chất, mô hình, năng lực và trình độ phát triển; phù hợp với từng bậc học và trình độ đào tạo. Mặt khác, cần tiếp tục luật hóa các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và mối liên hệ của chủ đầu tư với các thiết chế trong nhà trường và các bên liên quan...
Bên cạnh đó, dự luật cần quy trách nhiệm trong việc thử nghiệm các chương trình dạy và học khi không có hiệu quả trên thực tế; chính sách cho nền giáo dục phải có tính ổn định, tránh sự thay đổi, xáo trộn quá nhiều, trong thời gian quá ngắn như thời gian vừa qua...
Để có một nền giáo dục chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cần tổng thể các giải pháp. Được coi là bộ khung, Luật Giáo dục cần tích hợp cả những vấn đề cụ thể, song phải có tính bao trùm với tầm nhìn dài hạn. Với những ý kiến tâm huyết của cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội, dự luật đang được kỳ vọng sẽ tạo sự thay đổi cơ bản, toàn diện ngành Giáo dục, hướng đến sự phát triển mới trong thời kỳ hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.