(HNM) - Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới giữa Mỹ và Nga đã vượt qua rào cản khắc nghiệt cuối cùng vào 4h sáng ngày 23-12 tại Thượng viện Mỹ với số phiếu chênh lệnh khá cao: 71/26.
Bằng sự phê chuẩn này, lộ trình để START tiến tới chính thức có hiệu lực hầu như không còn chướng ngại nào vì hiện nay, Hạ viện Nga cũng chỉ đợi cái "gật đầu" ở bên kia bờ Đại Tây Dương để đưa ra một động thái tương tự. Như vậy, hòn đá tảng đầu tiên cho nền móng quan hệ mới giữa Nga và Mỹ sắp được đưa vào đúng vị cần có của nó.
START mới, được ông Medvedev (phải) và ông Obama ký tại Cộng hòa Séc hồi tháng Tư, đã được thông qua ở Thượng viện Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Sự kiện này tỏ rõ quyết tâm của hai cường quốc hạt nhân cùng muốn chôn vùi nỗi ám ảnh Chiến tranh Lạnh để sẵn sàng đưa mối quan hệ xuyên đại dương tiến xa hơn dựa trên sự bình đẳng, hiệu quả, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước cũng như thế giới.
Việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn START mới cũng được coi là một thắng lợi quan trọng về chính trị và ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama, dù đảng Dân chủ của ông bị tổn thất nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vừa qua. Vì lý do này, để bảo đảm phần thắng trong ván bài START mới ở Quốc hội, ông chủ Nhà Trắng đã buộc phải đánh đổi bằng thỏa hiệp với các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong dự luật về gia hạn cắt giảm thuế được áp dụng từ thời cựu Tổng thống George W. Bush cho mọi đối tượng, bao gồm cả tầng lớp thượng và trung lưu. Dự luật này vừa được người đứng đầu nước Mỹ ký vào cuối tuần qua. Đây là một cái giá được xem là khá "chát" với Tổng thống B.Obama vì nó đi ngược với cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử năm 2008 rằng, sẽ xóa mọi hình thức hỗ trợ về thuế cho tầng lớp giàu - là những hộ gia đình có mức thu nhập hơn 250.000 USD/năm khi luật cũ hết hiệu lực vào cuối tháng 12 này. Bên cạnh đó, việc gia hạn cắt giảm thuế sẽ gây ảnh hưởng tới đà phục hồi của con tàu kinh tế vốn đang gặp sóng to, gió lớn khi gây thiệt hại cho Mỹ khoảng 850 tỷ USD trong 10 năm. Gánh nặng thâm hụt ngân sách hiện đang ở mức cao nhất (hơn 1.300 tỷ USD) kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai sẽ càng thêm chồng chất. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, người đứng đầu Nhà Trắng khó có thể có lựa chọn tốt hơn vì nếu START mới không được thông qua thì hậu quả sẽ không thể đong đếm.
Thứ nhất, đó là nguy cơ làm thụt lùi những tiến triển đã đạt được trong quan hệ với Nga, nước đóng vai trò quan trọng trong thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống lại Iran - quốc gia được Mỹ và các đồng minh châu Âu cho là có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân - bảo đảm các nguyên liệu hạt nhân không rơi vào tay chủ nghĩa khủng bố; đồng thời hỗ trợ cho binh sỹ Mỹ tại Afghanistan. Thứ hai, vị thế lãnh đạo của Mỹ sẽ có nguy cơ bị xói mòn, không chỉ trong vấn đề phổ biến hạt nhân, mà còn trong hàng loạt thách thức toàn cầu khác. Nghiêm trọng hơn cả, thất bại của START mới sẽ làm nảy sinh nguy cơ phá vỡ thế cân bằng chiến lược toàn cầu, đánh thức bóng ma của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, kéo Nga, Mỹ và các bên liên quan vào vòng xoáy của một cuộc chạy đua vũ trang mới cực kỳ nguy hiểm mà đỉnh điểm của nó tất yếu sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh nguyên tử.
Lẽ dĩ nhiên, những tiến bộ trong vấn đề kiểm soát vũ khí vẫn chưa đủ để phá vỡ hoàn toàn lớp băng dày đang bao phủ quan hệ Nga - Mỹ do những bất đồng sâu sắc còn tồn tại từ di sản của quá khứ. Tuy nhiên, đưa START mới vào thực thi sẽ mang lại nhiều lợi ích khi thiết lập bầu không khí hòa dịu mới, tạo điều kiện cho Nga và Mỹ phối hợp giải quyết những vấn đề quốc tế mà hai bên đóng vai trò không thể thiếu. Bước tiến trong quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới và thỏa thuận cắt giảm tới 1/3 số vũ khí tấn công chiến lược sẽ có những tác động tích cực tới tình hình an ninh, chính trị, quân sự toàn cầu. Hay nói một cách khác, hiệp ước START mới sẽ dẫn đường cho cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân, tạo thêm áp lực lên những quốc gia đang có tham vọng sở hữu loại vũ khí nguyên tử này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.