(HNM) - Ngày 22-2 vừa qua, hai Viện của Quốc hội Nga đã họp và thông qua luật đình chỉ sự tham gia của Nga vào Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Động thái này được cho là đã đưa mối quan hệ giữa Nga và Mỹ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, đồng thời gây nguy cơ gia tăng chạy đua vũ trang và rủi ro hạt nhân trên phạm vi toàn cầu.
Trong thông điệp liên bang trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Mátxcơva sẽ chính thức đóng băng các nghĩa vụ của nước này theo Hiệp ước New START. Ông V.Putin viện dẫn sự thất bại của Washington trong việc giữ nguyên hiệp ước và sự tham gia ngày càng sâu của Mỹ vào cuộc xung đột Ukraine. Dù quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước, các quan chức cấp cao Nga khẳng định Mátxcơva sẽ vẫn tuân thủ các giới hạn đã thỏa thuận về tên lửa hạt nhân và tiếp tục thông báo cho phía Mỹ về những thay đổi trong việc triển khai hạt nhân.
Ngay lập tức, thông báo của nhà lãnh đạo Nga đã làm dấy lên những lo lắng trong giới chức phương Tây, những người cảnh báo về sự tan rã của cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu. Hiệp ước New START đã được ký kết tại Praha (Cộng hòa Séc) vào năm 2010 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev. Bắt đầu từ đầu năm 2011, Washington và Mátxcơva đã có 7 năm để thu hẹp kho dự trữ vũ khí tấn công chiến lược. Cụ thể, mỗi quốc gia được giới hạn 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng được trang bị để vận chuyển vũ khí hạt nhân; 1.550 đầu đạn hạt nhân trên các phương tiện này và 800 bệ phóng "đã triển khai và chưa triển khai". Theo các điều khoản, các đoàn thanh sát của Mỹ và Nga có thể tiến hành 18 cuộc thanh sát thông báo ngắn đối với các địa điểm hạt nhân của quốc gia kia mỗi năm, để xác minh rằng bên kia đang thực hiện đúng thỏa thuận. Cả hai quốc gia đều đáp ứng các giới hạn được nêu trong hiệp ước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận bị đình trệ dưới thời Tổng thống Donald Trump khi chính quyền của ông gọi hiệp ước này là “thiếu sót sâu sắc” vì nó không bao gồm vũ khí hạt nhân “chiến thuật” tầm ngắn hơn. Trong tháng đầu tiên nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, ông đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống V.Putin để gia hạn New START trong 5 năm (đến 2026)...
Mặc dù, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế của hiệp ước, nhưng việc đình chỉ hiệp ước có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ khó giám sát hơn. Nga đã đình chỉ các cuộc thanh tra về các địa điểm vũ khí hạt nhân và ngừng tham gia vào một ủy ban tư vấn song phương. Các chuyên gia cho rằng sẽ là một đòn nghiêm trọng nếu Nga đi xa hơn và ngừng báo cáo, trao đổi dữ liệu thường niên về các kho vũ khí hạt nhân và các diễn biến liên quan khác. Bình luận về quyết định đình chỉ Hiệp ước New START của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22-2 cho rằng, đó là "một sai lầm to lớn và vô trách nhiệm", song cho biết ông không xem quyết định trên của Mátxcơva là dấu hiệu cho thấy Tổng thống V.Putin đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhận định, động thái của Nga khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn và kêu gọi Tổng thống V. Putin xem xét lại.
Theo các chuyên gia, với việc hiệp ước hết hạn vào năm 2026, tuyên bố của Nga sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực ngoại giao nhằm gia hạn hoặc đàm phán một hiệp ước mới giữa hai quốc gia đang nắm giữ khoảng 90% vũ khí hạt nhân của thế giới. Daryl Kimball, Giám đốc điều hành của hiệp hội kiểm soát vũ khí Arms cho biết: “Nếu họ không đồng ý với các giới hạn mới trước khi New START hết hạn, điều này sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên xây dựng kho vũ khí hạt nhân chiến lược”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.