Trên danh nghĩa chính thức thì chưa, nhưng trong thực chất, Israel đã bắt đầu chiến dịch tấn công vào thành phố Rafah ở Dải Gaza. Israel cho rằng ban lãnh đạo và lực lượng Hamas hiện đang cố thủ ở thành phố Rafah, trà trộn giữa hơn một triệu người Palestine vốn sống ở đây hoặc chạy tị nạn chiến tranh về nơi đây.
Israel đề ra mục tiêu cho lần chiến tranh này là xóa sổ Hamas hoặc đánh bật Hamas ra khỏi Dải Gaza, xa hơn là buộc Hamas phải đầu hàng vô điều kiện cũng như không còn tiềm lực quân sự nào nữa để đe dọa hay thách thức an ninh, gây chiến tranh với Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các chiến tranh của Israel vì thế kiên định bám giữ mục tiêu và quyết tâm tấn công quân sự vào Rafah, bất chấp sự quan ngại sâu sắc và cảnh báo mạnh mẽ của gần như cả thế giới bên ngoài, trong đó đặc biệt có cả những đồng minh quan trọng nhất đối với Israel là Mỹ và các nước khác trong khối phương Tây.
Chiến tranh là chuyện xung khắc trực tiếp giữa Israel và Hamas, nhưng nếu Israel tấn công vào thành phố Rafah thì sinh mạng của hơn một triệu dân thường bị đe dọa trực tiếp. Khi ấy, những con tin người Israel hiện vẫn ở trong tay Hamas cũng sẽ không được bảo đảm mạng sống. Đối với thế giới bên ngoài, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho dân thường ở Dải Gaza và giải cứu con tin, ngăn Israel tấn công vào thành phố Rafah được xác định là những việc cấp thiết phải làm. Hamas gia tăng áp lực đối với Israel bằng việc chấp nhận đề nghị ngừng chiến 3 giai đoạn do Ai Cập và Qatar làm trung gian hòa giải.
Việc ông Netanyahu từng bước tiến hành cuộc tấn công vào thành phố Gaza đã buộc Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đưa ra quyết định xưa nay chưa từng thấy ở phía Mỹ đối với Israel là tạm ngừng cung ứng bom đạn cho Israel cùng với xác nhận là bom đạn của Mỹ mà Israel sử dụng đã sát hại thường dân ở Dải Gaza.
Nếu Israel thực hiện kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah như dự định và nhằm vào những mục tiêu đã chủ định thì sẽ có thảm họa trên nhiều phương diện ở thành phố này nói riêng và ở Dải Gaza nói chung. Lần chiến tranh này giữa Hamas và Israel sẽ đi vào hồi kết cho dù chưa ai biết chính xác khi nào mới tới hồi kết ấy. Nhưng nếu bất chấp mọi quan ngại, cảnh báo và phản đối của thế giới bên ngoài để tiến hành cuộc tấn công thì sẽ vô cùng bất lợi về đối ngoại với Israel và cá nhân ông Netanyahu. Sau cuộc chiến, Israel chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian mới có thể khắc phục những tổn hại về đối ngoại này. Các đồng minh quan trọng nhất lâu nay của Israel vì áp lực trong nội bộ và để giữ uy danh của họ trên thế giới sẽ không thể tiếp tục hậu thuẫn quân sự cho Israel như trước được nữa, ít nhất cũng trong khoảng thời gian trước mắt.
Ông Netanyahu càng thêm khó có thể duy trì được cương vị cầm quyền ở Israel. Hamas có thể bị Israel tiêu diệt ở lần này với cuộc tấn công vào thành phố Rafah, nhưng rồi sẽ lại hình thành và xuất hiện ở khu vực Trung Đông những tổ chức và lực lượng tương tự như Hamas, trường kỳ đối địch và chiến tranh với Israel.
Hiện ở nước Mỹ đã hình thành làn sóng phản đối việc ông Biden hậu thuẫn Israel hành động chiến tranh ở Dải Gaza, tạo liên tưởng đến phong trào ở Mỹ chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trong thế kỷ trước. Không thể loại trừ khả năng chính làn sóng này sẽ góp phần khiến ông Biden bị thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ.
Cho nên câu hỏi được đặt ra là cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah sẽ là khởi đầu của hồi kết cho những ai đây?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.