Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 1 triệu người Anh muốn trưng cầu dân ý lần hai

Theo Zing| 25/06/2016 19:14

Đến ngày 25/6, đơn thỉnh nguyện kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về vai trò thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu đã thu được hơn 1 triệu chữ ký.


Toàn cảnh Anh rời EU trong 100 giây: Nỗi lo sợ tình trạng nhập cư ồ ạt và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu khiến người dân Anh bỏ qua những cảnh báo thiệt hại kinh tế để lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu.
Theo quy định, quốc hội Anh sẽ xem xét một thỉnh nguyện thư nếu nó thu thập được tối thiểu 100.000 chữ ký. Người phát ngôn Hạ viện Anh cho biết, đơn kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 sẽ được đưa ra thảo luận tại một uỷ ban chuyên trách vào 28/6.

“Chúng tôi cùng ký tên dưới đây kêu gọi chính phủ thực hiện một luật lệ rằng, nếu tỷ lệ phiếu bầu ‘ở lại’ hoặc ‘rời’ đạt dưới 60% dựa trên tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu không quá 75% (lượng đăng ký) thì cần phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần 2”, BBC trích dung bức đơn viết.

Ủy ban bầu cử Liên hiệp Anh cho biết tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu trong ngày 23/6 chỉ đạt 72,2% so với số lượng đăng ký ban đầu. Phe “rời” thắng sít sao trước nhóm “ở lại”, với 17,4 triệu phiếu so với 16,1 triệu phiếu.

Người Anh nghĩ lại?

Theo trang Metro, đơn thỉnh nguyện do những nhóm người thuộc chiến dịch “Ở lại” thực hiện, sau khi thất vọng với kết quả trưng cầu dân ý của ngày 24/6. Tuy nhiên, rất có thể nhiều người từng không tham gia bỏ phiếu và cả những người ở nhóm muốn Anh rời EU đã ký tên.

Đây có thể xem là thỉnh nguyện thu thập được nhiều chữ ký nhất từ trước đến nay trên website chính quyền. Trang web quốc hội hiện đang được sửa chữa, nguyên nhân do lượng truy cập tăng vọt dẫn đến quá tải.

Đơn thỉnh nguyện kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần 2 về việc Anh rời EU. Ảnh: Metro


Tình trạng không hiểu biết về tác động của Brexit đối với nền kinh tế đất nước thể hiện rõ rệt trên khắp nước Anh hôm 25/6. Tập đoàn Google thông báo số lượt tìm kiếm những câu hỏi liên quan tới tác động của cuộc trưng cầu dân ý tăng vọt.

8 giờ sau khi cuộc trưng cầu ở Anh kết thúc, số lượt tìm bằng cụm từ "Việc gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi rời EU?" tăng gấp 3 lần so với khoảng thời gian trước đó.

Mặc dù cả hai phe - ủng hộ và phản đối Anh rời EU - đều vận động ráo riết từ vài tháng trước khi cuộc trưng cầu diễn ra, nhiều người dân Anh vẫn không quan tâm tới những hậu quả có thể xảy ra nếu họ rời EU. Thậm chí nhiều người còn không biết những điều cơ bản nhất về EU.

Người trẻ tức giận

Theo CNN, những người trẻ Anh không vui trước kết quả trưng cầu. Họ đã bỏ phiếu để nước này ở lại EU, song bị số lượng phiếu của nhóm cử tri lớn tuổi áp đảo.

“Tôi rất tức giận. Một thế hệ hưởng mọi thứ: giáo dục miễn phí, trợ cấp hưu trí, nhưng lại bỏ phiếu để tước đoạt tương lai của thế hệ chúng tôi”, Adam Newman tới từ Bristol chia sẻ trên Twitter. Newman đề cập tới nhóm cử tri lớn tuổi, chiếm tỷ lệ lớn cử tri ủng hộ Brexit (Anh rời EU).

Những người đã bỏ phiếu lựa chọn Anh rời và ở lại EU phân bố theo độ tuổi. Ảnh: BBC


Theo Yougov, hãng thăm dò dư luận Anh, 64% số người trong độ tuổi 25 tới 29 muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu, trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm người trong độ tuổi 30 - 34 là 61%. Những cử tri già hơn, nhiều khả năng đã bỏ phiếu rời EU, theo khảo sát. Dù những người trẻ hơn tuổi 44 nhiều khả năng đã bỏ phiếu để Anh ở lại, cán cân đã nghiêng về phe Brexit, với các cử tri trên 45 tuổi.

Brexit là viết tắt từ hai từ để chỉ việc nước Anh (Britain) rời khỏi EU (Exit), tương tự như Grexit được dùng để nói về khả năng Hy Lạp rời khỏi EU. Đây là một mục tiêu chính trị được nhiều cá nhân, nghiệp đoàn và đảng phái chính trị theo đuổi nhằm yêu cầu Anh rút tư cách thành viên từ khối liên minh 28 nước châu Âu theo Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu.

Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.

Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 1 triệu người Anh muốn trưng cầu dân ý lần hai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.